BĐS du lịch là một phân khúc mới được phát triển ở Việt Nam và được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên theo các chuyên gia BĐS cũng như các nhà quản lý du lịch, phân khúc này hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Do sự thiếu hụt trong quản lý nên thị trường này còn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro và thiếu tính bền vững.
Khu nghỉ dưỡng, khách sạn, căn hộ, các dịch vụ vui chơi giải trí, khu mua sắm, các khu du lịch, điểm dịch vụ chuyển tiếp du lịch... mới phát triển trong mấy năm gần đây, phân khúc này phát triển không rầm rộ như các dòng sản phẩm khác của thị trường BĐS nhưng việc tìm kiếm đất, địa điểm đầu tư của các nhà đầu tư đã khá sôi động. Nhiều địa phương đã đầu tư hạ tầng sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư đến đầu tư các công trình BĐS du lịch...
Tuy nhiên theo đánh giá của các nhà quản lý trong lĩnh vực này, do hiện nay vẫn chưa có quy hoạch tổng thể cũng như các chính sách đặc thù, giải pháp riêng đối với BĐS du lịch nên phát triển BĐS du lịch đều mang tính tự phát, thiếu cân đối giữa các vùng, miền, gây lãng phí tài nguyên đất đai và nguồn lực. Qúa nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng tập trung ở miền Trung, riêng TP Đà Nẵng hiện có 19 dự án, trong khi miền Bắc chỉ có 3 dự án. Đặc biệt có quá nhiều (68/99) resort tập trung tại Mũi Né - Bình Thuận còn tại Nha Trang, nơi hội đủ các yếu tố để phát triển BĐS du lịch thì thị trường hầu như bị bỏ ngỏ…
Ông Phan Hữu Thắng - Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS, Chủ tịch Chi hội BĐS du lịch Việt Nam nhận định: Khả năng thu hút của dự án đầu tư và tiềm năng du lịch nội địa chưa được đánh giá đúng. Chưa có sự gắn kết giữa các dự án đầu tư BĐS du lịch với chương trình quốc gia về xúc tiến du lịch và thực trạng du lịch Việt Nam. Đa số những khu vực đắc địa có thể khai thác BĐS du lịch dọc bờ biển Việt Nam đều nằm trong tay các DN trong nước. Trong đó, nhiều chủ đầu tư không có chiến lược đầu tư dài hơi mà chỉ trông chờ vào giá đất lên cao rồi bán cho khối đầu tư nước ngoài kiếm lời. Sự cát cứ từng mảng của các nhà đầu tư đơn lẻ trong khi thiếu quy hoạch tổng thể cho một vùng miền sẽ khó tạo được một sản phẩm nghỉ dưỡng hoàn chỉnh - yếu tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững của BĐS du lịch cho vùng miền đó.
Thực tế hầu hết các dự án BĐS du lịch đều tập trung tại những khu vực ven biển, nơi có vị trí đẹp, môi trường sống trong lành, gần gũi thiên nhiên song vấn đề môi trường lại chưa được quan tâm đúng mức. Những dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng thường thuộc dạng cao cấp nên chỉ phù hợp với đối tượng có thu nhập cao mà đối tượng này chỉ chiếm tỷ lệ thấp trong xã hội. Dịch vụ của các khu nghỉ dưỡng cũng thường khép kín nên dân cư vùng có dự án cũng không được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, thậm chí không có chỗ tắm biển, vui chơi, neo đậu thuyền như trước...
Về những bất cập này, KTS Hồ Duy Diệm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng còn nêu thực tế: Dọc những con đường ven biển từ Đà Nẵng đến Mũi Né (TP Phan Thiết, Bình Thuận) hầu hết đã bị chia lô, phân mảnh để xây khách sạn, resort, sân golf… Ở mỗi lô, chủ đầu tư cát cứ một vùng biển riêng. Du khách vào những nơi đó như vào một thế giới biệt lập trong 3 bức tường, thậm chí khách không được bơi qua phần biển của khách sạn bên cạnh. Những người dân sở tại, những khách du lịch vãng lai không được hưởng những phúc lợi nếu như không có nhiều tiền, kể cả việc ngắm cảnh và tắm biển… Mặt khác, do tình trạng chia lô, phân mảnh nên địa phương rất khó tổ chức những khu xử lý nước thải, khu cấp nước sạch tập trung. Điều này dẫn đến sự thiếu phát triển bền vững, môi trường bị ảnh hưởng.
Để BĐS du lịch Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng, mang lại hiệu quả tốt, ông Phan Hữu Thắng cũng cho rằng ngoài những giải pháp ổn định và phát triển thị trường BĐS nói chung, cần sớm có quy hoạch chung về phát triển BĐS du lịch, bao gồm tất cả các tiểu phân khúc của lĩnh vực này như các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, các khu vui chơi, giải trí, các điểm dịch vụ chuyển tiếp du lịch… nhanh chóng phát triển đồng bộ các công trình hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án BĐS du lịch phát triển.
(Theo BXD)