Hạ tầng phát triển, kết nối với các thị trường lân cận, quỹ đất lớn và giá rẻ, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn, hệ thống sông ngòi bao quanh…, tất cả tạo ra những lợi thế đặc biệt, biến khu Đông trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản TP.HCM.
Nhiều ưu thế
Sự trở lại của thị trường khu Đông bắt đầu từ năm 2014, cùng với sự hồi phục chung của thị trường bất động sản TP.HCM và sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Các dự án cơ sở hạ tầng được đầu tư mới và mở rộng giai đoạn này có thể kể đến như tuyến đường xa lộ Hà Nội nối khu Đông và trung tâm Thành phố được mở rộng; đường Phạm Văn Đồng nối với Sân bay Tân Sơn Nhất được đưa vào hoạt động; tuyến đường Mai Chí Thọ nối khu Đông vào hầm Thủ Thiêm với quận 1…
Ngoài ra, còn phải kể đến các dự án khác như xây dựng nút giao Mỹ Thủy (vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng); nâng cấp đường Nguyễn Thị Định, đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái (vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng); mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ Nguyễn Thị Định đến Nguyễn Xiển; mở rộng đường Nguyễn Xiển (vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng); xây dựng cầu Ông Nhiêu trên đường Nguyễn Duy Trinh (tổng vốn đầu tư 425 tỷ đồng); xây dựng đường song hành với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây…
Mới đây nhất, cây cầu nối Đại lộ Mai Chí Thọ với đảo Kim Cương đã được khởi công với vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng. Đường vành đai 2 đoạn từ cầu Phú Hữu (quận 9) đến nút giao Gò Dưa (Thủ Đức) cũng rục rịch khởi công, để tạo thế kết nối thông suốt.
Đặc biệt, thông tin khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc (quận 2) với số vốn đầu tư cả chục tỷ đồng được tái khởi động và hạt nhân của khu Đông là Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang dần hình thành… Tất cả tạo cho khu Đông một hệ thống giao thông tốt nhất TP.HCM hiện nay.
Hạ tầng được đầu tư đồng bộ là một trong những yếu tố giúp bất động sản khu Đông
trở thành tâm điểm của thị trường TP.HCM
Một ưu thế nữa mà ít có phân khu nào của TP.HCM có được, đó là thị trường bất động sản khu Đông đầy đủ các phân khúc, từ đất nền, căn hộ, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, đến cả bất động sản công nghiệp.
Trong đó, phân phúc công nghiệp gồm Khu công nghệ cao quận 9, Khu chế xuất Linh Trung, Linh Tây… Phân khúc này từ năm 2015 tới nay đã có sự phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều nhà sản xuất của Mỹ, Singaphore, Nhật Bản… đầu tư xây nhà máy tại đây.
Ngoài ra, khu Đông còn có hệ thống sông ngòi bao quanh như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, cùng hệ thống nhánh sông của hai con sông lớn này, tạo cho khu vực này một lợi thế lớn để phát triển các dự án bất động sản xanh đặc trưng.
Bên cạnh đó, với việc giáp ranh với hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai thông qua hệ thống giao thông kết nối, giúp thị trường bất động sản khu Đông có sự kết nối liên thông với các thị trường lân cận.
Một điểm nổi bật nữa của khu Đông đó là quỹ đất tại đây vẫn rất lớn, thu hút nhiều đại gia bất động sản đổ về đây đầu tư các siêu dự án như Vingroup, Novaland, Đất Xanh, Him Lam Land, Tập đoàn Đại Phúc, Đại Quang Minh…
Ngoài ra, giá đất của khu Đông đang ở mức thấp nhất Thành phố. Đơn cử, giá đất áp đền bù bình quân tại khu Đông theo quy định của TP.HCM chỉ 50.000 đồng/m2. Giá đất nông nghiệp giao dịch hiện nay khoảng 8 - 10 triệu đồng/m2, giá đất xây dựng nhà ở giao dịch cũng chỉ từ 15 - 25 triệu đồng/m2 và chung cư cũng chỉ có mức giá 17 - 26 triệu đồng/m2. Đây được cho là giá phù hợp với người dân có thu nhập trung bình.
Chưa kể, khu Đông cũng đang được TP.HCM đặt lên hàng đầu trong chính sách giãn dân. Để thực hiện điều này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã thông qua kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, kêu gọi doanh nghiệp phát triển thị trường bất động sản giá rẻ tại khu Đông và phát triển những mô hình nhà lưu trú công nhân, nhà cho người thu nhập thấp…
Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, bước đầu Thành phố đã thành công trong việc phát triển thị trường bất động sản bền vững tại khu Đông.
Đặc biệt, TP.HCM đang ấp ủ mô hình đặc khu kinh tế trong thời gian tới, trong đó khu Đông là tâm của đặc khu này. Theo Đề án Xây dựng chính quyền đô thị, TP.HCM sẽ phát triển theo mô hình "Chùm đô thị" - Thành phố trong thành phố. Ngoài 13 quận nội thành cũ (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú) và 3 huyện ngoại thành, TP.HCM sẽ lập 4 thành phố. Trong đó, Thành phố Đông gồm quận 2, 9 và Thủ Đức - có trung tâm là Khu đô thị mới Thủ Thiêm và giáp với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai (đường vành đai 2).
Thành phố này có chức năng chính là phát triển các ngành dịch vụ cao cấp và công nghiệp kỹ thuật cao. Ba thành phố khác là Thành phố Nam, Thành phố Bắc và Thành phố Tây. Quy hoạch này mới đây đã được đưa ra thực hiện theo đề án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn 2025 và đã được Thủ tướng phê duyệt.
Tiếp tục là tâm điểm của thị trường địa ốc TP.HCM
Theo báo cáo thị trường mới nhất của Công ty DKRA Việt Nam, quý III/2017, khu Đông đón khoảng 3.055 căn hộ, tăng 72% so với quý II và chiếm khoảng 39% tổng nguồn cung mới của thị trường TP.HCM. Đây cũng là con số tiêu thụ của khu Đông trong tổng lượng tiêu thụ mới.
Theo ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land - đơn vị hiện có nhiều dự án bất động sản nhất tại khu Đông TP.HCM, hiện nay, so với 2 phân khu còn lại của TP.HCM, khu Đông nhận được sự quan tâm lớn nhất của khách hàng. Các dự án đưa ra vẫn có giao dịch tốt nhất, đơn cử như Dự án Lavita Charm tại quận Thủ Đức. Dự án có gần 1.000 căn hộ, được mở bán trong tháng 9 vừa qua, nhưng chỉ sau 1 tháng mở bán đã được khách hàng đặt mua hết.
Nguồn cung trên thị trường bất động sản TP.HCM thời gian tới vẫn đến chủ yếu từ khu Đông
“Tại khu Đông, nhu cầu mua ở thực hiện khá lớn. Đây cũng là địa bàn ghi nhận nguồn cung bất động sản chào bán tăng liên tiếp, nhưng vẫn hấp dẫn khách mua, giao dịch cao hơn nhiều so với các khu vực khác”, ông Hiền nói.
Ngoài ra, với sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng giao thông, các chuyên gia đánh giá, bất động sản khu vực này sẽ còn khởi sắc. Thời gian tới, nguồn cung trên thị trường bất động sản TP.HCM cũng chủ yếu đến từ khu Đông.
Chẳng hạn, Him Lam Land chuẩn bị cho ra thị trường Dự án Him Lam Phú Đông 2 với hơn 600 căn hộ chung cư, Hưng Thịnh Corp cũng vừa đưa ra Dự án Saigon Mystery Villas (quận 2), có quy mô 14,59 ha, gồm 279 căn nhà phố liên kế và 72 căn biệt thự, UBND TP.HCM cũng công bố, sẽ bán 3.000 căn hộ nhà ở tái định cư tại quận 2 đã xây dựng xong từ năm 2015 tới nay theo hình thức căn hộ thương mại giá rẻ.
Bên cạnh đó, Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng sẽ cung cấp ra thị trường hàng nghìn sản phẩm trong thời gian tới khi nơi đây đã đón nhận những dự án mới, như dự án khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2a với tổng vốn đầu tư 20.100 tỷ đồng do liên doanh gồm 4 công ty thuộc Lotte triển khai, dự án phát triển Khu phức hợp Sóng Việt tại khu chức năng số 1, tổng mức đầu tư dự kiến gần 7.300 tỷ đồng, diện tích khoảng 75.965 m2, gồm 4 lô đất cạnh sông Sài Gòn do Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát đầu tư.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư Thủ Thiêm (Tcity) cũng ra mắt Dự án Thủ Thiêm Dragon với hơn 300 căn hộ, hay dự án gồm cả nhà phố/biệt thự của các chủ đầu tư Novaland, Nam Long, Khang Điền cũng sẽ tiếp tục ra mắt thị trường trong thời gian tới… Tất cả hứa hẹn khu Đông tiếp tục là tâm điểm của thị trường bất động sản TP.HCM.
Theo dự báo của DKRA Việt Nam, quý IV/2017 thị trường khu Đông sẽ tiếp tục khả quan, sức mua được duy trì tích cực, đặc biệt là những dự án có sự chuẩn bị tốt. Trong đó, khách hàng đầu tư sẽ chiếm tỷ trọng lớn ở khu Đông, trong khi khu Tây chủ yếu là khách mua để ở.
Ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Him Lam Land cho rằng, thành công của thị trường khu Đông đến từ việc các chủ đầu tư đã bám sát vào nhu cầu thực của khách hàng, đưa ra những sản phẩm có chất lượng công trình tốt, đúng theo chính sách phát triển của UBND TP.HCM đề ra cho thị trường này.
Báo Đầu tư Bất động sản