Thị trường bắt đầu giao dịch tăng trở lại ở phân khúc chung cư (Trong ảnh Khu chung cư Văn Khuê, Hà Đông, Hà Nội) - Ảnh: Ngọc Thắng |
Giao dịch đã bắt đầu tăng trở lại, nhưng ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản B.D.S, cho biết chủ yếu người mua nhà để ở, nhà đầu tư mua góp vốn, biệt thự, liền kề chiếm tỷ lệ nhỏ. Trong đó, lượng giao dịch đối với phân khúc chung cư đã tăng 20% so với tháng trước và chủ yếu vẫn là người có nhu cầu thật sự hỏi mua. Riêng đất dự án, lượng thành công khoảng 10%.
Tín hiệu từ chính sách
Sự trầm lắng của thị trường bất động sản đang gây phản ứng dây chuyền khiến nhiều DN, nhiều lĩnh vực như ngân hàng, xây dựng, vật liệu gặp khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Agribank, đề xuất Chính phủ không nên để bất động sản tiếp tục đi xuống. Bởi thời gian qua đã siết quá chặt khiến các lĩnh vực khác cũng bị chết theo, trong khi đó chỉ cần một ngôi nhà được xây dựng sẽ kéo theo nhiều công ăn việc làm, nhiều DN sản xuất vật liệu, xây dựng, nội thất, tư vấn được hồi phục theo...
Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, cho rằng cần phải có sự bình đẳng, khách quan khi xem xét tín dụng bất động sản. Tỷ trọng cho vay không thay đổi nhưng trong đó các danh mục và phân khúc của BĐS như nhà thu nhập thấp, nhà ở cán bộ, tái định cư, khu công nghiệp cần phải được tiếp tục cho vay vì nó gắn vấn đề an sinh, xã hội hiện nay. “Nếu thị trường cứ tiếp tục đóng băng thì tình hình sẽ diễn biến hết sức nguy hiểm”, ông Hà nói.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, phát đi tín hiệu lạc quan rằng lãi suất đang giảm và nhờ vậy địa ốc có thể phục hồi dần. Thực tế một số ngân hàng đã giảm 1- 2% cuối tháng 8 và khả năng giảm tiếp trong những tháng tới là có thực. Ông Nghĩa nói: “Khi lạm phát xuống thấp, ngân hàng có thể bắt đầu tăng cung ứng tiền hoặc giảm lãi suất thì bất động sản mới có cơ hội phục hồi. Tôi cho rằng khi lạm phát bị đẩy lùi thì có thể đầu năm sau, địa ốc sẽ phục hồi".
Theo nguồn tin của Thanh Niên, trước tình hình khó khăn của thị trường bất động sản, gây tác động tiêu cực tới các ngành, nghề khác, NH nhà nước đã yêu cầu thanh tra NH rà soát, đánh giá lại toàn bộ dư nợ cho vay đối với thị trường này để có kiến nghị với Thủ tướng. Bên cạnh đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, NH Nhà nước đang nghe ngóng tình hình và có thể sẽ đặt ra sự điều chỉnh tín dụng bất động sản vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Thị trường chỉ có thể hồi phục thực sự khi hạn mức được mở rộng.
Nguồn: thanhnien.com.vn