Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay, thị trường bất động sản đã chạm đáy nhưng theo parabol hay hình chữ U thì cần phải nghiên cứu.
Ông Dũng cho rằng, hiện nay chắc không phải hình chữ U bởi vì thời gian bất động sản ảm đạm đã quá dài, ở Hà Nội thì từ nửa năm 2011 còn TPHCM từ năm 2009. Nhưng giờ đã có tín hiệu sáng hơn, vì số lượng các giao dịch bất động sản đã tăng. Tuy nhiên, trong năm 2012 này, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng chia sẻ cùng doanh nghiệp bất động sản, nhưng cần phân loại cụ thể các doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ rất khó khăn nếu chủ yếu dựa vào vốn vay tín dụng ngân hàng, vay nhiều mà không bán được, chịu lãi suất cao, thì từ lãi thành lỗ, nợ xấu tăng lên. Không ít doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản.
Loại thứ hai là các doanh nghiệp sử dụng ít tiền vay, sử dụng nguồn vốn của người dân mua nhà, hiện cũng khó khăn. Còn những doanh nghiệp có nguồn vốn lớn thì không phải bàn.
Ông cũng đưa ra lời khuyên, trong lúc này, các doanh nghiệp cần bình tĩnh, nhìn toàn diện, tổng thể thị trường, phân tích các nguyên nhân, tồn tại của thị trường và phải can đảm, phải vững vàng để vượt qua khó khăn, chứ không ngã lòng, chán nản, và phải khôn ngoan lựa chọn các giải pháp như cấu trúc lại doanh nghiệp, cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường hoặc liên doanh liên kết để trụ vững, cùng nhau vượt qua khó khăn này...
Với những người mua nhà để ở thì nên tìm kiếm các sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính của mình, còn nếu để kinh doanh thì cần nghiên cứu kỹ hơn.
Về vấn đề giá nhà ở Việt Nam quá cao so với nhiều nước, ông Dũng cho rằng, giá bất động sản ở Việt Nam có cao chứ không phải lúc nào cũng cao, chỗ nào cũng cao. Trước đây, ở trung tâm Hà Nội, TPHCM giá bất động sản rất cao nhưng nay đã hạ, nhưng bất động sản ở các vùng ngoại ô, vùng nông thôn thì còn rất rẻ.
Giá bất động sản phụ thuộc vào cung cầu và sự khan hiếm. Khu vực phố cổ khác với ngoại ô. Giá bất động sản bao gồm cả giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, ví dụ khu phố cổ…
Làm thế nào để giá nhà ở Việt Nam ngang bằng thế giới thì phải có bài toán tính thế nào là ngang bằng với các nước khác. Các nước khác nhau thì giá khác nhau, như giá nhà ở Singapore khác với ở Hongkong và phụ thuộc vào sự khan hiếm… Ở Việt Nam, nhà ở khu phố cổ Hà Nội thì khan hiếm hơn so với các địa phương khác. Để giảm giá nhà thì cần tạo ra nhiều nguồn cung, từng bước hạ giá nhà phù hợp với khả năng thanh toán của người dân.
Dothi.net