Vịnh Cam Ranh, thuộc tỉnh Khành Hòa, từ lâu đã được xem là một trong 3 cảng biển tự nhiên tốt nhất thế giới (cùng với vịnh San Francisco của Mỹ và Vịnh Rio de Janeiro của Brazil). Đây cũng là một trong những vịnh nguyên sơ, được ví như một dải lụa xanh tuyệt đẹp của Việt Nam và thế giới.
Vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng
Cảnh hàng không quốc tế Cam Ranh |
Nằm cách thành phố Nha Trang khoảng 60km về phía nam, vịnh Cam Ranh có diện tích khoảng 185km2, đáy biển độ sâu phổ biến từ 5 đến 10m, phía ngoài vịnh có độ sâu khoảng 20m, ra khỏi vịnh là đường đẳng sâu khoảng 40m. Cửa biển bảo đảm cho tàu trọng tải 100.000 tấn ra vào dễ dàng và có thể đón nhận nhiều đội tàu cùng một lúc.
Đây là lợi thế tuyệt đối từ thiên nhiên của Cam Ranh so với các hải cảng lớn của nước ta, như: Đà Nẵng, Chân Mây, Cẩm Phả - những cảng chỉ có độ sâu giới hạn từ 9m đến 12m. Từ đường hàng hải quốc tế vào vịnh Cam Ranh tàu biển chỉ mất 1 giờ, trong khi đó Vũng Tàu mất 3 giờ, còn Hải Phòng mất 8 giờ.
Vịnh Cam Ranh có vị trí rất quan trọng về quân sự. Trước đây, người Pháp đã chọn nó làm cảng hải quân cho toàn Đông Dương.
Trong lịch sử, ngày 18/10/1946, tại Cam Ranh, Hồ Chủ tịch và cao ủy Pháp D’Argenlieu đã có cuộc hội kiến lịch sử. Cuộc gặp gỡ diễn ra trên thiết giáp hạm Suffren, có các vị chỉ huy hải, lục, không quân Pháp và các nhà báo nước ngoài chứng kiến.
Từ năm 1965 đến năm 1972, Mỹ đã xây dựng Cam Ranh thành một căn cứ quân sự hiện đại, làm căn cứ tiếp liệu và khí tài quân sự cho chiến tranh, đồng thời khống chế hành lang phía tây Thái Bình dương. Vào lúc cao điểm, sân bay quân sự Cam Ranh có tần suất hạ cánh và cất cánh cao nhất thế giới. Tuy nhiên, bộ đội đặc công tinh nhuệ của ta đã từng đột kích thành công vào căn cứ này, đốt cháy máy bay C130 và cho nổ kho bom của Mỹ.
Sau năm 1975, Cam Ranh được tổ chức lại là đơn vị hành chính cấp thị trấn và huyện. Năm 2000, thị xã Cam Ranh được thành lập. Năm 2010, thành phố Cam Ranh, thuộc tỉnh Khành Hòa cũng đã được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Cam Ranh. Thành phố Cam Ranh có diện tích tự nhiên trên 32.500ha và hơn 128.300 nhân khẩu, có 15 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 9 phường và 6 xã.
Điểm du lịch lý tưởng
Vịnh Cam Ranh với vẻ đẹp nguyên sơ, đặc trưng duyên hải Trung bộ, là nơi lý tưởng để tổ chức các loại hình du lịch biển quốc tế như: bơi thuyền, câu cá, lặn biển xem san hô, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, leo núi…không thua kém bất cứ nơi nào trên thế giới. Đây là nơi lý tưởng cho việc xây dựng một khu du lịch biển tầm cỡ thế giới.
Vịnh gần như khép kín với bán đảo Cam Ranh từ phía bắc chạy phủ kín cả phía đông, phía tây, còn phía nam vịnh là đất liền, tạo thành một vành đai, chỉ có một cửa mở ra biển, nên mặt nước luôn êm đềm, bởi không có sóng lớn… Thời tiết ở khu vực vịnh quanh năm nắng ấm, bầu trời trong xanh, tạo cho mặt vịnh một màu xanh rất dễ chịu.
Thiên nhiên ở vịnh Cam Ranh đẹp gần như còn nguyên sơ: những bãi cát trắng vàng, trải dài mịn màng như chưa bao giờ có dấu chân người (cát ở Cam Ranh có hàm lượng silic và titan rất lớn, từng xuất khẩu sang Nhật Bản để chế tạo thủy tinh). Dưới lòng vịnh có những rặng san hô và những đàn cá nhiều màu sắc, rất đẹp mắt. Nhưng đẹp nhất vẫn là những quần thể ghềnh đá granite do sự xâm thực của gió, của nước biển, tạo nên những hình thù chồng chất. Vịnh còn có nhiều bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, bên cạnh những rặng dừa cao vút, tạo nên nét đặc trưng của miền duyên hải Trung bộ.
Cam Ranh còn có một ưu thế lớn là sở hữu một trữ lượng nước ngọt đáng kể trong lòng đất, khiến cho đất đai nới đây phì nhiêu, cây trái tươi tốt. Nơi đây khi mùa xuân về, hoa mai rừng nở rộ cả một khoảng trời.
Cam Ranh còn là nơi cư trú của nhiều loại thú rừng và không thể không kể đến những loại hải sản nổi tiếng như: tôm hùm Bình Ba, sò huyết Thủy Triều…
|
Phối cảnh một dự án du lịch tại Cam Ranh |
Khu động lực phát triển kinh tế nam Khánh Hòa
Theo quy hoạch chung xây dựng khu vực vịnh Cam Ranh đến năm 2025 do UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt, nơi đây sẽ là khu vực động lực phát triển kinh tế phía nam, khu trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội, khoa hoc kỹ thuật, du lịch, công nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy sản phía nam của tỉnh Khánh Hòa; trung tâm chính trị, xã hội, khoa học kỹ thuật của thành phố Cam Ranh và thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm); đầu mối giao thông quốc tế vùng và khu vực.
Dự kiến đến năm 2025, khu vực vịnh có dân số khoảng 227.000 người, trong đó có dân số đô thị khoảng 179.000 người. Diện tích xây dựng đô thị 3.578,5ha, bình quân 196,6m2/người, trong đó đất dân dụng 1.340ha, bình quân 74,9m2/người.
Theo quy hoạch, khu vực đô thị được phát triển dọc quốc lộ 1A, chủ yếu ở thành phố Cam Ranh và thị trấn Cam Đức. Ngoài ra, các khu công nghiệp sẽ được mở rộng tại phường Cam Thịnh Đông. Dự kiến đến năm 2030, cảng hàng không quốc tế Cam Ranh sẽ đạt công suất vận chuyển 8 triệu hành khách và 200.000 tấn hàng hóa/năm…Đường bộ cao tốc Bắc-Nam sẽ xây dựng ở phía tây vịnh, với lộ giới 120m. Cảng Ba Ngòi sẽ được nâng cấp, cho phép tàu 30.000 DWT cập cảng, năm 2020 đạt công suất 10,2 triệu tấn/năm.