Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, UBND TP đã phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro số 1) với tổng mức đầu tư mới là gần 237 tỉ Yên Nhật (tương đương hơn 47,3 nghìn tỉ đồng).
Dự án metro số 1 đã được ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) hỗ trợ nghiên cứu hoàn chỉnh trong năm 2006 và đã được UBND TP phê duyệt, bắt đầu triển khai đầu tư từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư là khoảng 1,09 tỷ USD (tương đương 17.387 tỷ đồng theo tỷ giá thời điểm đó).
Tuyến metro này dài tổng cộng 19,7 km, bao gồm 2 phần: đoạn đi ngầm dài 2,6km (từ ga Bến Thành đến ga Ba Son) và đoạn đi trên cao dài 17,1km (từ ga Ba Son đến depot Long Bình). Với tổng vốn đầu tư mới là 47.325,2 tỷ đồng, để xây dựng mỗi kilomet metro này TP sẽ tiêu tốn hơn 2.400 tỷ đồng.
Đầu năm 2008, depot Long Bình đã chính thức khởi công xây dựng. Tuy nhiên, các hạng mục còn lại của dự án thì vẫn “án binh bất động” vì vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Theo Sở GTVT thì đến nay dự án đã trễ tiến độ 2 năm so với dự kiến ban đầu.
Việc trễ tiến độ khiến tỷ giá tiền tệ thay đổi, giá vật liệu tăng cao và thay đổi một số chi tiết trong dự án, tổng vốn đầu tư tuyến metro số 1 đã tăng hơn gấp hai lần ban đầu. Từ năm 2009, TPHCM đã nhiều lần đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tăng vốn đầu tư cho dự án này. Và đến nay, con số mà UBND TP đồng ý phê duyệt tổng vốn đầu tư cho dự án này là hơn 47.000 tỷ đồng, tăng gần 30.000 tỷ đồng so với vốn đầu tư dự kiến.
Do tổng mức đầu tư được điều chỉnh nên kế hoạch đấu thầu cũng phải điều chỉnh theo. Sau khi kế hoạch đấu thầu được điều chỉnh, Ban Quản lý đường sắt đô thị sẽ phê duyệt kết quả đấu thầu các gói thầu xây lắp, thiết bị và tổ chức đàm phán hợp đồng. Dự kiến các gói thầu trên sẽ được khởi công xây dựng vào đầu năm 2012.
Tuy vậy, hiện dự án vẫn còn vướng mắc nhiều trong công tác giải phóng mặt bằng. Hiện công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành trên địa bàn quận 9 (phần depot và đường dẫn vào depot Long Bình), quận Bình Thạnh và quận 1 (18/18 hộ dân và 7/10 cơ quan, tổ chức). Nhưng phần mặt bằng thuộc dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội, chỉ mới có một số hộ dân bàn giao mặt bằng.
Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, thông tin liên lạc) cũng chỉ mới cơ bản hoàn tất thủ tục pháp lý và đang được triển khai thực tế, tuyến cáp ngầm cao thế 220KV Nhà Bè – Tao Đàn do tính chất kỹ thuật phức tạp, quy mô thực hiện lớn nên dự kiến đến tháng 2/2012 mới hoàn thành di dời.
Tính đến nay, tiến độ thực hiện dự án đã chậm so với kế hoạch ban đầu khoảng 2 năm và kết quả là dự án đội vốn lên nhiều lần. Nếu tiếp tục trễ hẹn, có thể con số chưa dừng ở mức 47 nghìn tỷ đồng.
Tác giả: Tùng Nguyên
Theo dantri.com.vn