Cecile Lê Phạm là Tổng GĐ Tập đoàn Dacotex, chuyên gia công hàng may mặc xuất sang châu Âu, châu Mỹ. Nhưng người ta còn nhớ tới chị ở một khía cạnh khác: người làm công tác xã hội rất nhiệt tình và có tâm.
Cecile Lê Phạm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dacotex.
Ra nghĩa trang ở Paris thắp nén nhang cho người cha chưa một lần gặp mặt, chị nhớ lại: “Đến lúc đó tôi mới thấm thía nỗi mất mát, cô đơn đến tận cùng của đứa trẻ con lai, khi đến quê cha không gặp được cha, nhìn về quê mẹ lại thấy xa muôn trùng”.
Năm 1992, sau gần 20 năm xa quê, trong vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo trợ Trẻ em Việt Nam tại Pháp (ACSOC), chị đưa một đoàn thiện nguyện gồm các y bác sĩ người Pháp và người Pháp gốc Việt về Việt Nam khám chữa bệnh cho trẻ em nghèo ở các vùng sâu vùng xa.
Làm kinh doanh để theo nghiệp xã hội
Cecile nói, chưa bao giờ chị cảm nhận rõ mình là người Việt Nam mạnh mẽ đến như vậy. “Nhìn những số phận trẻ mồ côi sao giống mình ngày đó thế, ánh mắt cứ xa xăm, chông chênh”, chị tâm sự. Cecile quyết định xây mái ấm Hoa Mai cưu mang trẻ mồ côi, cơ nhỡ tại quê ngoại, sau đó xây tiếp 2 mái ấm tại Hậu Giang và một tại Đà Nẵng. Hiệp hội ACSOC do chị thành lập có hơn 300 hội viên, gồm người Pháp và Việt kiều Pháp. Ban đầu, các thành viên trong Hiệp hội nhận bảo trợ tài chính để nuôi trẻ tại các mái ấm này.
Số trẻ đầu tiên tại mái ấm Hoa Mai ở Cần Thơ, khi học hết 12, chị đưa lên TP.HCM kiếm việc làm. Thế nhưng, theo chị, đó là lần trái tim người mẹ nuôi trong chị thấy đau đớn và bất lực nhất. “Tôi xin việc cho các cháu gái này tại các xưởng may nhưng không có cơ hội theo sát các cháu. Một số cháu lần đầu lên thành phố, bị choáng trước sự phồn hoa của phố thị, đã bỏ việc, yêu đương, đua đòi rồi chọn những việc làm mà tôi cũng như các người đỡ đầu các cháu hoàn toàn không mong muốn”.
Thực trạng đó khiến chị suy nghĩ và có những thay đổi quan trọng. Đáng ra, cái nghiệp của chị phải gắn với những hoạt động xã hội như chị đã chọn từ ngày ở Pháp. Song chính hoàn cảnh, nhu cầu cấp bách cần có nơi chốn tạo công ăn việc làm ổn định cho những đứa trẻ này khiến chị quyết định rẽ sang con đường kinh doanh.
Năm 1999, bão lũ dữ dội ập về miền Trung. Chị vào thăm các xưởng may tại TP.HCM, gặp không ít công nhân gốc miền Trung khóc buồn vì người thân mất trong bão lũ. Ngay lập tức, chị huy động 1.000 phần quà chở ra Đà Nẵng để giúp người dân gặp nạn. Cũng trong năm đó, chị xây dựng mái ấm Hoa Mai thứ 4 tại Đà Nẵng.
Năm 2002, Cecile Lê Phạm cùng với nhà đầu tư Pháp, thành lập Tập đoàn Dacotex tại Đà Nẵng, chị làm Tổng Giám đốc. Tập đoàn này chuyên làm hàng may mặc xuất khẩu sang Pháp, Brazil, Mexico.
Năm 2005, Dacotex đã có nhà máy tại Đà Nẵng, tiếp tục mua 55% của Công ty May xuất khẩu Huế (Hudatex) khi công ty này cổ phần hóa. Năm 2009, Dacotex nắm toàn bộ 100% cổ phần của Hudatex, mở rộng nhà máy sản xuất thứ 2 tại Khu Công nghiệp Hương Sơ, Thừa Thiên Huế. Đồng thời, nhà máy thứ 4 của Tập đoàn tại Chu Lai cũng ra đời. Hiện tại, nhà máy có số lượng công nhân lớn nhất của Tập đoàn là tại Thừa Thiên Huế với 1.300 công nhân, nhà máy lớn thứ 2 đặt tại Chu Lai với 700 công nhân. Tổng cộng toàn Tập đoàn có khoảng 3.000 công nhân.
“Tôi muốn làm gì đó, giúp một số thanh niên ở nông thôn miền Trung có cơ hội việc làm tại quê nhà, không phải tha phương kiếm việc. Họ đi làm và chiều về được ăn cơm cùng với gia đình”, Cecile cho biết.
Năm 2010, Tập đoàn đã xuất khẩu 8 triệu sản phẩm sang Pháp, Brazil, Mexico, đạt doanh thu 30 triệu euro. Lợi thế của Tập đoàn là tận dụng nguồn nguyên liệu nội địa. Chuỗi siêu thị Casino của Pháp hiện tiêu thụ áo jacket, quần kaki, đồ thể thao do Dacotex, Hucotex sản xuất, gắn nhãn “Made in Vietnam”. Kết quả kinh doanh của Tập đoàn đang khiến Cecile rất hài lòng.
Thích thái độ làm việc của người miền Trung
Câu chuyện đầu tư tại miền Trung được Cecile coi như là cái duyên của đời mình. Nếu Cần Thơ gắn với tuổi thơ ngắn ngủi nhưng đầy ắp kỷ niệm của một đứa trẻ ngày còn có mẹ, có ngoại thì Huế, Đà Nẵng là 2 vùng đất chị dành nhiều tình cảm từ ngày trở thành doanh nhân.
Là Tổng Giám đốc Tập đoàn và Tổng Giám đốc của các công ty cổ phần trực thuộc Tập đoàn, Cecile cho biết chị khá ấn tượng với thái độ làm việc cần mẫn, cẩn thận và chịu khó của người miền Trung.
Có thể, nhiều nhà kinh doanh không hài lòng với phong cách chậm rãi, bình thản của người miền Trung, nhưng đối với Cecile, điều đó lại phù hợp với ngành may mặc, vốn đòi hỏi tính tỉ mẩn, tập trung và cẩn thận. Những công nhân ở Huế, Quảng Nam khiến chị rất hài lòng. Khi tiếp nhận Công ty Hucotex, chị giữ lại hầu hết các vị trí quản lý từ trưởng phòng, kế toán trưởng cho đến Phó Giám đốc. “Tôi thích thái độ tôn trọng, không đối phó và cẩn thận trong công việc của người dân nơi đây. Trong công ty, tôi hài lòng và xem mỗi nhân viên như một thành viên trong gia đình”. Triết lý của nhà Phật về hiểu và yêu thương, được Cecile áp dụng tối đa. Chị cho rằng mình thành công từ triết lý bình dị này.
Cecile cho rằng, việc chị lựa chọn trở thành doanh nhân tại quê mẹ là hoàn toàn đúng. Sau khi mở rộng đầu tư, chị có nhiều cơ hội để tạo công ăn việc làm cho những trẻ từng được cưu mang tại Hoa Mai nhiều hơn. Hiện tại, kế toán trưởng và nhiều bạn trẻ tốt nghiệp cử nhân kinh tế đang làm việc cho Tập đoàn Dacotex xuất thân từ mái ấm Hoa Mai.
Sẽ ở Việt Nam, không về Pháp
Người chồng bác sĩ của chị nay đã nghỉ hưu ở Pháp. Chị có 3 người con, 2 trai 1 gái. Cecile cho đây là tài sản vô giá, là niềm tự hào của chị. Người con trai đầu, Phạm Lê Hồng Hải, 35 tuổi, đang là giảng viên tại Khoa Niệu, Đại học Harvard (Mỹ). Người con thứ 2 tên là Phạm Lê Lâm, tốt nghiệp Kỹ sư Điện tại Đại học Chicago (Mỹ), hiện về nước quản lý mảng điện và xây dựng cho một công ty chị mới mở, Adacons. Và cô con gái út, Phạm Mỹ Sơn, là một kiến trúc sư mới ra trường.
“Tôi thích ở Việt Nam, con cái của tôi cũng yêu mảnh đất này. Sau khi nghỉ hưu, tôi sẽ ở Việt Nam, không về Pháp”, Cecile nói.
Dù vậy, chị vẫn rất nhớ nước Pháp. “Vài tháng tôi lại muốn về thăm một lần. Bước xuống sân bay là thấy sung sướng. Tôi vẫn là người Pháp và tôi cũng là người Việt. Tôi thương vùng đất Paris, có những vẻ đẹp lạ. Sài Gòn ồn ào, chỉ ngày Chủ nhật mới thấy Sài Gòn được thở và đúng là Sài Gòn. Ở miền Trung, nghỉ cuối tuần tôi thích ra Huế, nơi đây cây cối nhiều, cảnh vật nơi đây như ngừng lại. Tôi ra đó để ngừng một chút”, Cecile cho biết.
Một điều khiến Cecile trăn trở là làm thế nào để thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài có cơ hội trở về nước phục vụ nhiều hơn. Chị cho biết, rất nhiều người, trong đó có bạn bè của con chị, luôn muốn về Việt Nam làm việc, song lại băn khoăn không rõ về rồi sẽ làm gì và làm thế nào. Chị kể, trong lần sang Mỹ tham dự buổi lễ ra trường của con trai thứ 2, chị thấy, 90% sinh viên tốt nghiệp tại trường này đều từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc sang du học. Họ cho biết sẽ trở về quê nhà làm việc. “Tôi nghe tụi trẻ nói chuyện nước họ mà thèm. Giá như ở Việt Nam có một tổ chức thật sự năng động để kêu gọi được lực lượng Việt kiều trẻ này về nước cống hiến”, chị nói.
Cecile năm nay 59 tuổi, vẫn tràn đầy năng lượng và luôn lạc quan. “Nếu trẻ hơn 20 tuổi, tôi nghĩ mình có thể làm gấp đôi, gấp 3 lúc này”, chị nói.