Tuy thế, xem lai công văn 674 ngày 13/2/2012 và công văn 8844 ngày 17/11/2011 đều của NHNN thì có những điều có thể hy vọng.
Trong công văn 674, đã hoàn toàn không có cụm từ nào là "phi sản xuất" dành cho chứng khoán hay BĐS, mà nếu căn cứ vào sự so sánh này thì hai lĩnh vực đó, cho dù mang tính "không khuyến khích", nhưng với sự vận dụng "linh hoạt và uyển chuyển " của nhiều ngân hàng như đã từng biểu hiện không ít lần, vẫn có khả năng "được ưu tiên".
Còn đối chiếu với công văn 8844, BĐS không hẳn là lĩnh vực phi sản xuất. Được ban hành vào giữa tháng 11/2011, lần đầu tiên từ sau Nghị quyết 11 về thắt chặt tín dụng (tháng 2/2011), công văn này đã đưa 4 nhóm tín dụng BĐS ra khỏi khu vực phi sản xuất như nhu cầu vốn để xây dựng, sửa chữa nhà và mua nhà để ở; nhu cầu vốn như xây dựng nhà để bán, cho thuê cho người thu nhập thấp; xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, hoặc đưa vào sử dụng trong năm 2012...
Đây cũng chính là 4 nhóm đối tượng BĐS được loại trừ khỏi nội dung "không khuyến khích" trong công văn 674.
Cửa vay đã hé mở
Mặt khác, nếu quả thực chứng khoán và BĐS không được xem là tín dụng ưu tiên tại sao NHNN lại phải mất công ban hành công văn 674, quy định về tổng dư nợ cho vay của các TCTD trong năm 2012 tối đa là 16% đối với chứng khoán, BĐS và vay tiêu dùng?
Bởi nếu muốn siết tín dụng của chứng khoán và BĐS thì điều đơn giản là NHNN chỉ cần một quy định chung về tỷ lệ tín dụng phi sản xuất phải bảo đảm không vượt quá 16% như trong nguyên năm 2011 đối với các ngân hàng. Vào năm 2011, hầu hết các ngân hàng đều đã "tự hiểu" ra yêu cầu khắt khe đó, do vậy từ tháng 2/2011 đến cuối năm đã diễn ra phổ biến tình trạng ngân hàng "đóng cửa" với các công ty chứng khoán và với phần lớn doanh nghiệp BĐS.
Hoặc, nếu hệ thống lại các vấn đề từ đầu năm 2011, có thể nhận ra là công văn 8844 vào giữa tháng 11/2011 đã lần đầu tiên "gỡ" cho BĐS khỏi sự dính dáng nặng nề đến khái niệm "phi sản xuất", và do đó cũng "gỡ" cho hầu hết các ngân hàng khỏi những khó khăn vì phải bắt buộc kéo giảm tỷ lệ dư nợ mà do vậy sẽ phải đôn đốc thu hồi nợ từ các doanh nghiệp BĐS khó có khả năng... trả nợ.
Còn với công văn 674, tuy tinh thần "siết" tín dụng vẫn thể hiện, nhưng việc quy định tín dụng không khuyến khích tối đa 16% lại dễ làm cho giới ngân hàng "tự hiểu" ra một điều: cái gì không cấm, dù không được khuyến khích, vẫn có thể được làm. Chưa kể đến cái việc "không khuyến khích" đó lại được NHNN dành cho "room" đến 16%.
Cần nhắc lại, chỉ với một văn bản 8844 tưởng như vô thưởng vô phạt, một số ngân hàng đã có thể loại trừ đến 4-5% tỷ lệ dư nợ cho vay BĐS khỏi khu vực phi sản xuất và đã kéo tỷ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất về sát mốc 16% vào ngày 31/12/2011. Còn với tình hình thanh khoản đã được cải thiện hơn khá nhiều vào đầu năm nay, gần như chắc chắn các ngân hàng đã không phải quá lo về nỗi ám ảnh 16% nữa.
Thậm chí, những ngân hàng có tiềm lực mạnh như nhóm G5 và G12 đã có thể bắt đầu tính toán đến kế hoạch cho vay chứng khoán và BĐS trong ngắn hạn hoặc trung hạn. Nhưng dĩ nhiên, tiến trình cho vay chưa thể ồ ạt hoặc quá lộ liễu, mà còn tùy thuộc vào hàng loạt "thông số" khác như kết quả giải quyết "khó khăn thanh khoản", tín hiệu chính sách cụ thể hơn về TTCK và thị trường BĐS, lạm phát quý 1/2012, kể cả những diễn biến không thể không liên đới từ thị trường vàng và chính sách quản lý vàng...
Theo VEF