Ảnh: MH
Theo ông Lê Trọng Hiếu - Trưởng phòng Công nghiệp và Kho vận Công ty TNHH CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE Việt Nam) – hãng nghiên cứu BĐS uy tín, thì tại các khu công nghiệp phía Nam hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu đối với nhà xưởng cho hoạt động lắp ráp dây chuyền hạng nhẹ, Đồng Nai thiên về loại hình nhà xưởng dệt may, Bình Dương cho sản xuất thực phẩm, đồ uống và hàng tiêu dùng…
Thống kê từ CBRE Việt Nam cho thấy, hiện 80% số lượng nhà xưởng tại các khu công nghiệp được cung cấp trực tiếp từ chủ đầu tư quản lý khu công nghiệp, 20% là do người đi thuê tại khu công nghiệp tự xây. Đối với nhà xưởng nằm ngoài các khu công nghiệp, nếu được xây dựng, thông thường phải nằm gần các khu công nghiệp chính hoặc gần các cảng biển, cảng hàng không… Về kho chứa, 80% nguồn cung hiện nay dành cho kho vận đường biển và 20% kho vận đường hàng không. Tuy nhiên, nguồn cung kho chứa phục vụ hoạt động kho vận hàng không còn rất hạn chế cho dù cả phía Việt Nam (lấy ví dụ như Hãng hàng không Việt Nam – Vietnam Airline, Bộ Quốc phòng…) và các nhà cung ứng dịch vụ quốc tế (lấy ví dụ như DHL, FedEx…) đều nhận ra nhu cầu ngày càng tăng lên.
Đã bắt đầu có các động thái đẩy mạnh xây mới cơ sở vật chất trong loại hình này.
Ông Hiếu nhận định, cơ hội dài hạn đầu tư vào cơ sở vật chất kho vận hàng không hiện đang thuộc về cảng hàng không quốc tế Long Thành ở Đồng Nai vì hiện chưa có nhiều kho chứa được xây dựng tại đây để phục vụ cho nhu cầu rất lớn trong tương lai. Bên cạnh đó, một điểm hấp dẫn trong phân khúc BĐS nhà xưởng và kho chứa xây sẵn chính là giá cho thuê loại hình này hiện vẫn đang giữ được mức cao và gần như không suy giảm cho dù giá trong các phân khúc BĐS khác trượt giảm.
Theo số liệu của CBRE, tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, mức giá cho thuê nhà xưởng thấp nhất phổ biến từ 40 - 50 nghìn đồng/m2/tháng và cao nhất từ 90 - 120 nghìn đồng/m2/tháng. Trong khi đó, giá cho thuê kho chứa loại thấp nhất từ 30 - 50 nghìn đồng/m2/tháng và loại cao nhất từ 60 - 80 nghìn đồng/m2/tháng. Các mức giá này tương đối ổn định so với năm 2011. Đối với nhà xưởng, sẽ được giá hơn nếu nhà xưởng nằm tại các khu vực đắc địa, chẳng hạn như gần các cảng.
Về triển vọng nhu cầu nhà xưởng và kho chứa tương lai, do Trung Quốc đang ngày càng mất đi sức cạnh tranh nên đang có sự dịch chuyển sản xuất, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến tiềm năng được các công ty nước ngoài lựa chọn. Một loạt các nhà sản xuất lớn như Olympus của Mỹ, Bosch của Hà Lan, Lixil của Nhật Bản… đã và đang chuyển các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong đó tập trung nhiều về Đồng Nai. Bên cạnh đó, Nhật Bản đang hồi phục mạnh mẽ sau thảm họa thiên tai cũng hứa hẹn đưa đến nhiều cơ hội đầu tư vào Việt Nam khi các nhà đầu tư Nhật đánh giá Việt Nam có địa điểm sản xuất ổn định, an toàn và hợp lý về chi phí.
Hơn thế nữa, với tốc độ tiêu thụ xe máy, ô tô và hàng điện tử ngày càng tăng tại Việt Nam, các nhà sản xuất lớn trên thế giới trong những lĩnh vực này đang gia tăng mở rộng sản xuất, trong đó Honda tại khu công nghiệp Đồng Văn II, Yamaha tại khu công nghiệp Nội Bài, Mazda muốn đầu tư một dây chuyền lắp ráp ô tô tại Khu kinh tế mở Chu Lai…