Theo quy hoạch của TP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống xe điện ngầm tại Tp.HCM không ảnh hưởng về mặt cảnh quan đối với sự phát triển của TP. Tuy nhiên nhiều lo ngại vẫn đang tiếp tục được đặt ra...
Tp.HCM không có đất để xây dựng các công trình giao thông và khoảng trống bên trên cũng không có nhiều, do những ngôi nhà cao tầng đan xen nhau. Nếu qui hoạch không đúng, tuyến metro trên cao sẽ phá vỡ cảnh quan. Một biện pháp là hạ thổ (đi ngầm dưới lòng đất). Nhưng xây ngầm lại tốn kém hơn và nhất là quy hoạch các tuyến ngầm dưới lòng đất Tp.HCM đang là vấn đề rất đáng lo ngại.
Trong các cuộc hội thảo trước đây, các chuyên gia lo ngại rằng với độ sâu đi ngầm của các tuyến metro là 20-30 m sẽ ảnh hưởng đến công trình kiến trúc bên trên. Việc các tuyến metro có thể “va chạm” vào móng nhà cao tầng, hầm chứa xe của các bãi đậu ngầm... là có thể xảy ra. Chẳng hạn như tuyến Metro số 4 là tuyến metro phức tạp vì phải đi ngầm suốt tuyến hơn 90% qua Công viên Gia Định, ngã tư Phú Nhuận, khu vực Nhà văn hóa Thanh niên, công viên trước Hội trường Thống Nhất… Tại những khu vực trên, hiện đã có nhiều tòa nhà cao tầng với hệ móng cọc cắm sâu 20 - 30 m xuống lòng đất…
Về vấn đề này Bộ Xây dựng khuyến cáo: UBND Tp.HCM cần chỉ đạo các sở, ngành quản lý chặt chỉ giới mặt đất, cấp phép các nhà xây dựng cao tầng, các công trình có móng sâu chiếm dụng không gian ngầm dọc hành lang các tuyến metro. Và theo thông lệ quốc tế, các công trình, hạng mục ngầm khác phải ưu tiên cho metro. Tuy nhiên, đến nay, ở Việt Nam, quyền ưu tiên của các tuyến metro chưa được luật hóa trong Luật Đất đai và Luật Xây dựng
Theo quy hoạch, Tp.HCM sẽ có 6 tuyến metro với tổng chiều dài 54 km, trong đó nhiều đoạn đi ngầm với độ sâu đến 20 - 30m. Chẳng hạn, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có 2,6 km đi ngầm từ chợ Bến Thành đến khu Ba Son là khu vực có địa chất yếu, ven sông Sài Gòn. Tuyến số 2 giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) dài 12 km có 9,3 km đi ngầm, và dự kiến giai đoạn 2 tiếp tục đi ngầm khoảng 7-8 km từ chợ Bến Thành qua sông Sài Gòn để đến Thủ Thiêm. Phức tạp hơn, tuyến số 4 (cầu Bến Cát - Nguyễn Văn Linh) dài 24 km thì dự kiến đi ngầm đến 19 km…
Điều lo ngại nhất hiện nay khi thực hiện các tuyến metro đó là khả năng ngập các tuyến metro là rất lớn. Tình trạng ngập cũng đã từng xảy ra với các tuyến metro trên thế giới như Tôkyô (Nhật Bản), Kuala Lumpur (Malaixia), Luân Đôn (Anh) nhưng các nước đặc biệt chú trọng và đầu tư hàng trăm triệu USD cho công tác chống ngập metro. Những lo ngại của các chuyên gia là có cơ sơ khi họ cho rằng thiết kế metro của Tp.HCM bao gồm đoạn đi trên cao và đoạn đi ngầm, cho nên phần chuyển tiếp từ đoạn trên cao xuống đoạn đi ngầm và ngược lại sẽ là vị trí hứng nước mưa chảy vào đường hầm gây ngập. Với trận mưa đến vài trăm mm như hiện nay, nếu không có giải pháp chặn và thoát nước mưa kịp thời thì hậu quả hết sức nghiêm trọng.
Tình trạng ngập lụt là một trong những điểm yếu nhất của Tp.HCM trong các phân tích về quy hoạch giao thông, đặc biệt là các công trình ngầm. Nhiều chuyên gia cảnh báo, trong việc xây dựng các tuyến tàu điện ngầm (metro) ở độ sâu hàng chục mét, cần hết sức thận trọng để tránh nguy cơ ngập và lún do địa chất phức tạp đa phần là vùng phù sa mới, tầng hữu cơ và bùn lọc rất dày, lại bị ngập nước thường xuyên của Tp.HCM. Hơn nữa Tp.HCM có đặc thù là đô thị bán ngập triều, một ngày có 2 con nước lên xuống, khiến địa chất Tp.HCM vừa mang tính mặn vừa mang tính phèn. Nước mặn ngầm rất nguy hiểm vì có thể hủy hoại công trình bằng phản ứng ăn mòn điện hóa. Vật liệu xây metro bằng thép hoặc cốt thép không đồng nhất, khi tiếp xúc với nước mặn, nước phèn có khả năng hủy hoại công trình rất nhanh, chưa kể còn có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
(Theo Tin tức)