Những tưởng Việt Nam không thể cạnh tranh với những cường cuốc nghệ thuật như Pháp, Ý... trong lĩnh vực thiết kế, nhưng với sự sáng tạo và biết chớp thời cơ, một công ty nội thất Việt đã mang những thiết kế của mình đi khắp thế giới.
Diễn đàn kinh tế Việt Nam tiếp tục giới thiệu câu chuyện về Tập đoàn thiết kế hàng đầu AA như một điểm sáng trong lĩnh vực kinh tế sáng tạo của Việt Nam.
Nội thất cho khách sạn 5 sao khắp... 5 châu
Không có quá nhiều doanh nghiệp Việt Nam mang về chiến thắng vẻ vang khi "đem quân đi đánh xứ người". Trong số ít đó, Nguyễn Quốc Khánh nổi lên với tư cách ông chủ của một doanh nghiệp 20 tuổi đời và đã "chu du" tới rất nhiều thành phố lớn, từ Kiev cho đến thành phố New York sôi động.
Nguyễn Quốc Khánh đã thông thạo tiếng Pháp từ rất lâu. Sau năm 1975, một cơ hội bất ngờ xuất hiện. Một người bạn ông là kỹ sư điện cho biết, có một ông chủ ngân hàng người Pháp muốn tìm một kiến trúc sư để cải tạo lại văn phòng làm việc, và tất nhiên, phải biết nói tiếng Pháp. Ông không do dự chớp lấy cơ hội này.
"Tôi hiểu hầu hết những gì ông ấy nói, nhưng lại không thể bật ra thật nhanh để đáp lại, vì vậy tôi cứ "có, không, có thể" hoài...", ông Khánh nhớ lại. Ông hiện đang là chủ tịch tập đoàn AA - công ty thiết kế nội thất cao cấp và nhà bán lẻ trang thiết bị nội thất lớn nhất Việt Nam.
Công ty AA của ông chủ Nguyễn Quốc Khánh đã đem những thiết kế của mình đi khắp 5 châu, góp mặt ở nhiều công trình lớn (Ảnh: Forbes)
Khả năng ngôn ngữ, hay ít nhất là tinh thần ham học hỏi của ông, đã tạo được ấn tượng rất tốt với người chủ ngân hàng. Ông nhận được hợp đồng đầu tiên trong loạt hợp đồng thiết kế với các công ty nước ngoài sau này. Đó là thời điểm vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 của thời kỳ đổi mới, khi các chính sách kinh tế của Việt Nam đã thông thoáng hơn để thu hút nhiều đầu tư nước ngoài. Ông nhanh chóng bắt nhịp với những thay đổi của xã hội. Nắm bắt được nhu cầu sửa chữa tân trang các biệt thự ẩm mốc thành nhà ở và văn phòng của các nhà ngoại giao và đầu tư nước ngoài, ông nhanh chóng trở thành địa chỉ đầu tiên mà họ tìm đến. "Thời đó thật tuyệt. Công việc rất bận, và chúng tôi cũng học hỏi được rất nhiều", ông Khánh kể lại. Hiện ông không chỉ nói được tiếng Anh và tiếng Pháp cực kỳ trôi chảy mà còn có một chút vốn tiếng Nga và tiếng Trung để giao tiếp.
Ông cho biết, công ty của ông hiện đã thống trị thị trường thiết kế nội thất cao cấp trong nước, luôn dành được khoảng 80% hợp đồng với các khách sạn 4 - 5 sao.
Hầu hết các văn phòng công ty, nhà ở cao cấp, cửa hàng, nhà hàng ăn, câu lạc bộ...đều mang dấu ấn của AA. Trong năm năm qua, AA còn mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, góp mặt trong các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà ở hiện đại tại rất nhiều thành phố lớn, từ InterContinental ở Kiev, Ukraine đến Trump SoHo ở New York. Công ty cũng đã hoàn thành hàng chục dự án thiết kế nội thất cho các khách sạn năm sao ở châu Mỹ, Trung Đông, châu Âu cũng như châu Á.
Ở tuổi 50, ông Khánh không phải đi công tác quá xa. Các nhà thầu khách sạn thường tìm đến ông tại văn phòng công ty ở Việt Nam. GER Architectural Manufacturing - nhà thầu chế tác đồ gỗ và giám sát thiết kế nội thất cho Trump SoHo, muốn tìm một đối tác ở châu Á thật nhanh nhạy và có chi phí sản xuất thấp. Đó là lý do họ tìm đến với Việt Nam, và cái tên AA đứng đầu trong danh sách lựa chọn, một phần do danh tiếng của công ty, nhưng cũng một phần do hai chữ AA có nghĩa là "Kiến Trúc Hiện Đại".
"Lúc đó chúng tôi không biết nhiều về tiếng Anh, nhưng đó là một trong số những quyết định sáng suốt nhất của tôi cho đến thời điểm này", ông nói. Ông Khánh đã thành lập công ty vào năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh cùng với hai người bạn là sinh viên kiến trúc.
Hợp đồng với GER đã giúp AA nhanh chóng nổi tiếng trên thị trường New York. Ông nhận được nhiều hợp đồng với các khách sạn hơn, gồm cả Standard và Royalton. AA hiện có ba đối tác là các nhà thầu xây dựng và đã hoàn tất 19 khách sạn cao cấp ở 12 thành phố của Mỹ.
Vượt bão trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu
Dù đã đạt được những thành công nhất định trong thị trường quốc tế, nhưng công ty của ông Khánh vẫn là một công ty nhỏ với doanh thu 35 triệu USD vào năm ngoái. Theo nghiên cứu của Lodging Econometrics, các hoạt động kinh doanh bị tổn thất nhiều do suy thoái kinh tế toàn cầu. Ở Châu Á - Thái Bình Dương (trừ Ấn Độ và Trung Quốc), châu Âu và Mỹ, nhu cầu xây dựng khách sạn đã giảm 25% so với đỉnh điểm năm 2008.
AA có thể phát triển mạnh mẽ nhờ chi phí vận hành thấp và lao động giá rẻ tại Việt Nam. 1.400 trong số 2.000 công nhân được nhận mức lương trungbình 150 USD/tháng, cao hơn nhiều so với mức lương bình quân trong nước. Công ty chỉ có ba vị trí do người nước ngoài đảm nhiệm. Vợ ông cũng giúp chồng trong việc kinh doanh; bà thiết kế đèn, đệm và một số đồ nội thất khác (ông bà đã có hai con trai).
AA đã thiết kế cho nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp như KS Intercontinental, Sofitel Metropole, Sheraton, Nam Hải Resort... (Ảnh: AA)
Một phần vốn của AA được đóng góp từ công ty tư nhân Indochina Capital (20% cổ phần). Tuy nhiên, quỹ đầu tư phải thanh khoản nên ông đã mua lại số cổ phần đó. Stanley Vukmer - nguyên giám đốc quản lý của quỹ đầu tư đã nói: "Điều nổi bật trong câu chuyện về AA là làm thế nào ông chủ của nó có thể định vị được con đường đúng đắn trong bước trượt dài của nền kinh tế thế giới, và có những hành động đúng đắn kịp thời". Ông đã khôn khéo hướng công ty tập trung vào những thị trường ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái hơn như châu Á và Trung Đông.
Chiến thuật này đã tỏ ra có hiệu quả. Năm nay, doanh số đã tăng 35%, lên 45 triệu USD, và ông Khánh dự định sẽ niêm yết cổ phiếu công ty trên sàn chứng khoán Việt Nam trong năm tới. Ông muốn huy động đủ vốn để mở rộng quy mô sản xuất và thúc đẩy bán lẻ các mặt hàng nội thất. Xưởng sản xuất của ông ở tỉnh Long An hiện chỉ sử dụng 60% trong tổng quỹ đất. Ông hy vọng biên lợi nhuận sẽ lớn hơn khi mở rộng quy mô kinh doanh, và mục tiêu là trở thành công ty 100 triệu đôla trong vòng ba hay bốn năm tới.
Ông dự đoán phần lớn sản phẩm sẽ được tiêu dùng trong nước và một nửa lợi nhuận sẽ thu được từ việc bán lẻ các trang thiết bị nội thất. Đây có vẻ như một canh bạc lớn trong một thị trường nhỏ như Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu hàng cao cấp của người dân thành thị cũng khá lớn và đang có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu từ chính phủ, doanh số bán lẻ đã tăng 18,6% trong năm ngoái, lên 65,7 tỷ USD. Tất nhiên số khách hàng có khả năng rút hầu bao cho những sản phẩm đắt tiền vẫn còn hạn chế. Tuy vậy, ông Khánh vẫn tin rằng người Việt Nam sẽ luôn ưu tiên chi tiêu cho nhà cửa. "Ai cũng muốn chăm chút cho ngôi nhà với những đồ dùng đẹp nhất", ông nói.
"Khả năng thiết kế của Việt Nam có thể cạnh tranh với bất kỳ quốc gia nào"
Ông Khánh thường có những quyết định đúng đắn trong những thời điểm nhạy cảm. Thời kỳ đầu "đổi mới", rất nhiều người Việt Nam lo sợ tự do kinh doanh sẽ không bền lâu. Bạn bè, người thân cảnh báo ông về những nguy cơ tiềm ẩn, nhưng ông vẫn kiên quyết: "Tại sao lại không chứ? Tôi chẳng có gì để mất cả".
|
Khi còn là một sinh viên kiến trúc, ông chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một doanh nhân. Bố mẹ ông đã gửi con nhờ họ hàng trông nom khi ông còn rất nhỏ để vào Sài Gòn làm ăn. Họ hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhà ở và mở một cửa hàng bán bánh mì. Bố mẹ không muốn ông theo nghiệp mà muốn ông ở Đà Lạt để được hưởng một nền giáo dục tốt nhất. Hồi đó, có một tấm bằng ĐH và một chỗ làm chắc chắn trong chính phủ hoặc một doanh nghiệp nhà nước mới có thể đảm bảo ổn định về kinh tế.
KS Sheraton (Nha Trang) (Ảnh: AA)
Lần đầu tiên có cơ hội kiếm tiền, ông vẫn còn đang học kiến trúc tại trường ĐH. Ông đã xây dựng các nhà máy nhỏ, các gian hàng triển lãm thương mại và thiết kế các cửa hàng sơn mài phục vụ thương mại du lịch đang phát triển ở TP.Hồ Chí Minh.
Ông và các bạn thành lập AA với ước mơ xây nên những tòa nhà văn phòng và khách sạn mới đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Năm sau đó ông có chuyến xuất ngoại đầu tiên sang Singapore. Sau khi được tận mắt chiêm ngưỡng những tòa nhà chọc trời của nước bạn, ông biết mình không thể cạnh tranh nổi nên đã quyết định chuyển hướng tập trung sang thiết kế nội thất.
Ông Khánh luôn nhắc lại câu chuyện về người chủ ngân hàng năm xưa để khuyên các nhân viên rằng, càng biết nhiều ngoại ngữ thì càng có nhiều lợi thế. Với ngôn ngữ thiết kế cũng vậy. Trừ trường hợp khách hàng có yêu cầu đặc biệt, còn thì ông luôn tránh phong cách đậm chất "Đông Dương"- nghệ thuật Pháp kết hợp với trang trí theo phong cách châu Á.
Và ông vẫn thường đưa nhân viên thiết kế của công ty ra nước ngoài học hỏi những xu hướng kiến trúc mới nhất của Mỹ và Ý. "Người phương Tây có thể sáng tạo ra những thứ rất châu Á thì tại sao người Việt Nam chúng ta lại không thể tiếp thu những gì hiện đại của họ? Xét về sự khéo léo và khả năng thiết kế thì chúng ta có thể cạnh tranh với bất kỳ quốc gia nào!".