Tôi đã nghĩ rằng bò Mỹ ngon nên phở sẽ khỏi chê, nhưng ăn đũa đầu tiên thì ôi thôi không biết nên cười hay khóc. Cứ tưởng tượng là lấy sợi hủ tiếu nam vang Hồng Phát mà bỏ vào nước phở thì các bạn sẽ có ngay tô phở Cali chính hiệu.
Nay tôi xin kể về cuộc sống ở Mỹ một cách chi tiết và tôi tin rằng cuộc sống ở những nước văn minh khác đều na ná như Mỹ vậy.
Thành phố San Francisco, California, Mỹ. Ảnh: newvietart
Ngay khi mới qua Mỹ dĩ nhiên ai cũng thấy bao điều mới lạ hết, xứ giàu mạnh nhất hành tinh mà! Ngày đầu tôi đến Mỹ, sau khi gặp gỡ gia đình bạn bè xong thì trời hãy còn sáng lắm. Đây là điều lạ đầu tiên với tôi. Tôi qua nhằm mùa hè nên trời hè Cali là 9 có khi 10 giờ đêm mới tối hẳn. Tôi nghĩ bụng “bây giờ là 8 giờ tối đó sao trời? Lạ vậy?”. Tối đó trằn trọc mãi, tâm trạng rối bời!
Ngày hôm sau, 9 giờ sáng thức dậy đã thấy người nhà tôi đi mua phở “to go”(có nghĩa là mua về ăn). Thú thật tôi từ nhỏ đến lớn ăn có 3 món phở, cơm tấm, hủ tiếu mì mà thôi nhưng phở Cali thì đây là lần đầu. Tôi nghĩ rằng bò Mỹ thì ngon lắm, thơm và mềm nữa nên phở thì khỏi phải chê nhưng ăn đũa đầu tiên thì ôi thôi không biết nên cười hay khóc. Tôi cắt nghĩa vậy các bạn sẽ dễ hiểu, cứ tưởng tượng là lấy sợi hủ tiếu nam vang Hồng Phát trên đường Võ Văn Tần mà bỏ vào nước phở thì các bạn sẽ có ngay tô phở Cali chính hiệu! Tôi ăn được vài đũa rồi đầu hàng luôn.
Thay đồ chuẩn bị đi San Francisco chơi….
Trên đường đi thì phải nói công nhận rằng cơ sở hạ tầng của Mỹ có vẻ như là tuyệt vời thật, nào là cầu vượt mấy tầng rồi thì freeway (xa lộ) rộng 10 lane (làn đường) là ít nhất. Xe cộ chạy có thứ tự đúng luật dù không thấy “bồ câu” (cảnh sát, đây là tiếng lóng hồi xưa tôi ở Việt Nam). Đến San Francisco, tôi thấy người ta buôn bán tấp nập và đường xá chật chội, nhà cửa cũ kĩ. Đấy nhé, xứ nhất thế giới vẫn có chỗ ổ chuột như thường nhưng ghi chú là nhà San Francisco tuy cũ và chật nhưng giá thì trên trời đấy các bạn. Có vài chỗ ăn uống cũng tốt và cũng khá vui chẳng hạn như Pier 39 là nơi các bạn nhớ ghé qua khi đi San Francisco. Ở đây có bán món Soup nghêu (Claim Chowder) ăn với bánh mì chua (Sour Dough) ngon lắm. Nhắc đến bánh mì chua mới nhớ lúc đó tôi mới ăn vào một miếng liền bảo “bánh mì này hư rồi!”. Thiệt là hai lúa.
Đến cầu cổng vàng (Golden gate bridge) thì cả đời chưa bao giờ thấy cái cầu dài và đẹp đến vậy (lúc đó thôi, giờ đi riết thấy thường rồi). Rồi thì cũng chụp hình, quay phim, đi ngắm cảnh trầm trồ chỗ này chỗ kia. Ăn uống xong lại quay về thành phố tôi ở - San Jose. Cả ngày đi chơi mệt đừ nhưng điều này sau 8 năm tôi mới biết để có một buổi đi chơi cả ngày như vậy thì tiêu tốn trên 200 USD là giá chót! Ôi chao rất nhiều người Việt kiều không có kiếm nổi 200 USD/ ngày nữa là!
Thật ra chính đến bây giờ tôi cũng công nhận một điều là ở Mỹ không hiểu sao quang cảnh và nhà cửa khi chụp lên hình nhìn sang thiệt! Dù là căn nhà đó ở ngoài nhìn thiệt là ghê, lạ lắm! Ai có ở Mỹ mới thấy tôi nói điều này là đúng, chả trách gì rất nhiều người bị đánh lừa bởi một cái Mỹ qua hình, qua phim. Rất nhiều người gửi hình về Việt Nam đeo kiếng đen rồi đứng dựa chiếc xe châu Âu (Benz, BMW…) hay một chiếc xe đắt tiền nào đó là lập tức bà con ở Việt Nam nghĩ rằng “Thấy chưa, mới qua vài năm chẳng mấy chốc mà khá rồi đó...” Thật ra nhiều khi người trong hình cũng không biết đó là xe ai nữa? Bó tay!
Sau đó thì tôi đi làm bán thời gian (part-time) ở chợ Việt Nam tuần hai ngày còn năm ngày thường phải đi học nữa. Làm việc ở đâu đi nữa thì cực khổ là phải chịu rồi nhưng cái khác biệt ở chỗ là Việt Nam có thiếu có hụt thì còn kêu réo nước ngoài giúp vài trăm còn Việt kiều thiếu hụt kêu ai đây? Ở Mỹ rồi kêu ai nữa? Chẳng lẽ kêu người ngoài hành tinh? Là vậy, ý tôi là ở Mỹ làm cực, Việt Nam làm cũng cực nhưng mà ở Việt Nam xứ nghèo làm không dư thì không nói. Ở Mỹ làm quần quật mà không dư thì mới là vỡ mộng. Tôi lúc đó làm 2 ngày/tuần thì không dư là đúng vì là học sinh trung học thôi nhưng khi giờ lớn rồi đi làm toàn thời gian (full-time) mà cũng không xong luôn. Lý do là khi làm full-time thì tiền nhiều hơn nhưng lớn lên nên chi cũng nhiều hơn đâm ra cũng vậy, “của thiên trả địa”.
80% dân Việt ở Mỹ là tầng lớp lao động nghèo, tức là có thu nhập dưới 50.000 USD mỗi năm. Ở Mỹ mà nói một người giàu hay nghèo thì phải xem đó là so với cộng đồng Việt Nam hay so với Mỹ. Nếu so với nước Mỹ thì xin lỗi 99% chúng ta (cộng đồng Việt Nam tại Mỹ) là trung bình trở xuống! Còn nếu chỉ so trong cộng đồng thì vâng, có giàu có nghèo. Nhưng may thay xứ Mỹ là một xứ có thể mua này nọ mà không cần tiền mặt ,chỉ cần có thẻ tín dụng (credit card) là xong. Cái thẻ tín dụng là thứ đưa bạn lên và đá bạn xuống trong tích tắc ở xứ Mỹ này. Tôi sẽ nói sâu về phần này vì đây là chuyện rất quan trọng khi ở nước ngoài!
Khi mới đến Mỹ, mình đi làm thì mình phải khai thuế thu nhập cá nhân và cái ba-rem thì tùy theo yếu tố là có nuôi ai không, có nhà không hoặc lương thấp hay cao….Ví dụ như mình làm 12 USD/giờ thì tháng khoảng 1.960 USD chưa thuế. Nếu còn độc thân sẽ bị trừ thẳng vào lương khoảng 500 USD nên mình còn khoảng 1460 USD. Và nhắc lại đây là trừ thẳng không đến lượt bạn quyết định là trả hay không hoặc chịu hay không! Nhắc lại rằng lương càng cao thì thuế càng cao, có thể lên đến 40%.
Một góc khu chợ Little Saigon của người Việt ở California. Ảnh: thenewgay
Trong năm đầu bạn sang, Credit Bereau (tạm dịch là Cục quản lý tín dụng) sẽ xem bạn như người mới nên họ xác định bạn là tín dụng mới, tức là không xấu mà không tốt. Sau một năm có đi làm đóng thuế thì bạn sẽ được cho thẻ tín dụng. Mọi việc bắt đầu từ đây, một là ngon lành hai là tanh bành. Ghi chú là các bạn phải đi làm đóng thuế thì mới có được tín dụng tốt và thẻ mới có mức sử dụng cao nhất trong khả năng tài chính của bạn được. Nếu đi làm tiền mặt, gọi là làm chui, thì Credit Bereau họ không thấy được là mình làm bao nhiêu, ở đâu. Mỹ là vậy, cái gì cũng giấy tờ sổ sách, khó lòng qua mặt lắm.
Sau khi bạn đã xin được thẻ tín dụng thì bạn phải xài vì bạn có xài có trả mới chứng minh là bạn có uy tín nếu không số điểm của bạn chỉ nằm ở mức đó hoài khó lên điểm lắm. Điểm càng cao nghĩa là uy tín người đó càng cao. Giờ nghĩ lại tôi thấy cái trò này là của các nước cường quốc là muốn đồng tiền trôi chảy chứ không đóng cục như các nước nghèo. Mặt khác họ có thể nắm tẩy các bạn được như là biết rõ tài sản của bạn hay bạn không thể quỵt nợ ai cả.
Tôi có thể nói là cũng khá rành về credit card vì bị nó vật vã nhiều năm rồi nhưng có thể là có vài chỗ thiếu sót nên bạn nào nhận ra thì bổ sung giùm. Khi bạn có thẻ lần đầu thì đa số ngân hàng sẽ cho cái thẻ cỡ khoảng 500-1.500 tùy theo lương. Họ sẽ tính tiền lời và theo mình thì cũng là khá cắt cổ. Thông thường thì người mới có thẻ vào khoảng 18-25%/tháng. Ví dụ: bạn mua đồ 1.000 USD bằng thẻ thì bạn sẽ phải trả tiền lời là 180-250 USD/tháng cho lần mua sắm đó. Tuy nhiên nếu bạn trả 1.000 trong vòng 3 tuần kể từ ngày mua thì bạn sẽ không phải trả tiền lời. Nhưng mà làm kiểu đó mấy ông ngân hàng coi bộ không khoái mình, mà không khoái thì cho điểm ít hoặc chậm.
Người có tín dụng trung bình ở Mỹ là phải 620 điểm, còn 680-720 là tốt, trên 720 là tuyệt vời. Đến đây bạn chưa thấy rõ là nó quan trọng ở chỗ nào? Là đây, khi bạn đi mua một cái điện thoại cầm tay như Iphone chẳng hạn, mua kiểu Việt Nam trả tiền hết 700 USD được không? Được chứ! Nhưng mà nếu bạn có tín dụng, bạn sẽ kí hợp đồng hai năm với nhà mạng vừa mua được Iphone giá 199 USD + thuế, vừa hưởng giá cước hàng tháng rẻ hơn là bạn mua đứt điện thoại như kiểu Việt Nam. Đằng nào thì mình cũng đóng tiền điện thoại hàng tháng, thôi thì kí cái hợp đồng cho nó rẻ đồng nào đỡ đồng đó! Mà ở Mỹ muốn ký bất cứ cái gì thì đều phải có tín dụng, tức là có uy tín nếu không có uy tín thì cái chữ ký của mình có giá trị gì đâu nữa mà ký?
Khi xài thẻ thì sướng tay lắm vì mình không thấy tiền mặt nên mình không nghĩ là nó nhiều, đến khi hóa đơn hàng tháng về mới tá hỏa thì sự việc đã rồi! Nếu như mình có việc làm đều và đủ để trả tiền thẻ hàng tháng thì không nói gì. Nhưng lỡ thất nghiệp thì thôi rồi “vẫy tay chào nhau” với số điểm của mình. Đến đây nhiều người nói là “ai bảo xài cố mạng rồi than”, nhưng bạn ơi bạn chưa vô tròng bạn không biết sức cám dỗ của vật chất xứ Mỹ này đôi khi nó chiến thắng lý trí mình một cách “ngoạn mục”.
Ở đây, với một người bình thường đi làm, sau khi chi trả các khoản cần thiết hàng tháng thì dư lại được 1.000 USD là một chuyện hiếm và khó lắm! Vậy nên dù bạn dư 1.000 USD/tháng đi nữa thì bạn sẽ phải mất 10 năm để có được 100.000 USD với điều kiện đừng để vật chất làm bạn phải “ngứa ngáy” tiêu xài! Khi bạn dư 100.000 USD thì sao? Mua nhà? Mua xe mới? Chà, đến lúc này bạn cần phải có tín dụng rồi đấy! Căn nhà ở Cali được được cũng cỡ 400.000 USD, thế thì bạn trả trước tối thiểu là 10% là 40.000 USD còn 360.000 USD còn lại được trả trong 30 năm + tiền lời “chợ búa” là 4%/năm. Mỗi tháng bạn trả 2,135 USD, trong 30 năm. Sau 30 năm, 768,000 USD ra khỏi túi bạn cho căn nhà trị giá 400.000 USD. Thuế năm là 1% trên giá trị nhà, tức khoảng 4.000 USD/năm. Bảo hiểm nhà là khoảng 100 USD/tháng.
Vậy thì để có được uy tín mượn 360.000 USD của ngân hàng, bạn cần có nguồn thu nhập hàng tháng gấp ba lần số tiền mà bạn phải trả hàng tháng khi mượn nợ, tức là trong ví dụ này bạn cần có tiền lương ít nhất là 6.000/tháng và đồng thời tín dụng phải tốt tức trên 700 điểm. Mức lương này là mức lương phổ biến tại San Jose dành cho các kĩ sư người Việt nhưng với người lao động chân tay thì để mua nhà là vất vả đến tột cùng. Tín dụng là quan trọng vậy đấy. Bạn mua gì cũng cần tín dụng cả, nếu không có tín dụng thì bạn không thể mượn tiền được, thế thôi! Còn nếu có cả núi tiền mặt như đại gia thì không còn gì phải bàn cãi, sống đâu cũng là thiên đường! Người Việt ở Việt Nam thì tôi không dám nói tất cả nhưng tôi nghĩ là 80% họ đều có nhà dù lớn nhỏ hay mục nát. Người Việt ở Mỹ thì ngược lại, 80% không có nhà!
Tôi xin tạm dừng ở đây. Xin hẹn gặp lại các bạn ở bài sau sẽ nói tiếp những chuyện trên đất Mỹ!
Chí Vân Tâm
Theo vnexpress.net