Tổng diện tích đô thị sẽ tăng gấp 10 lần hiện tại và gấp 4 lần so với năm 2020.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, dự đoán đến năm 2040, tốc độ phát triển đô thị hóa tại Việt Nam sẽ đạt 50%, tổng diện tích đô thị sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2020, và 10 lần so với hiện nay. Theo đó, sẽ có thêm khoảng 20 triệu người Việt Nam chuyển đến sống tại các thành phố.
Theo báo cáo của Bộ xây dựng, tính đến tháng 5/2011, cả nước có 755 đô thị, tăng 126 đô thị so với thống kê năm 1999. Trong số các khu đô thị mới, có 2 khu đô thị loại đặc biệt, 5 khu đô thị loại I và 97 khu đô thị lại V, dẫn tới tình trạng phân bổ các loại đô thị không cân đối.
Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh. (Ảnh: Duy Khánh) |
Trong hơn 10 năm qua, trung bình, mỗi tháng cả nước có thêm 1 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa tăng gần 10% (từ 20,7% lên 30,5%). Trong khi đó, dân số đô thị tăng 42%, từ 18,3 triệu người lên 26 triệu người, khiến mật độ dân số đô thị tăng nhanh, kéo theo nhiều vấn đề về xã hội, môi trường, văn hóa, hạ tầng giao thông,..
Bà Đỗ Tú Loan, Cục Phó Cục Phát triển Đô thị - Bộ Xây dựng cho rằng, các đô thị của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đem lại bộ mặt mới cho các thành phố. Kinh tế đô thị đang chiếm khoảng 70% GDP của cả nước.
Chỉ trong hơn 10 năm, dân số đô thị đã tăng gần 30%, từ 18,3 lên 26 triệu người. Mức tăng dân số đô thị cũng khá tương đồng với tốc độ tăng của quá trình đô thị hoá là 32% (từ tỷ lệ đô thị hoá 20,7% năm 1999 lên 30,5% ở hiện tại).
Bà Loan cũng thừa nhận, vẫn còn tồn tại nhiều vấn bất cập như nhà ổ chuột, vấn đề chất thải đô thị, quy hoạch và kiến trúc lộn xộn,…
Theo bà Loan, Bộ Xây dựng đang cho rà soát lại sự phát triển của các khu đô thị mới để có định hướng phát triển toàn diện, bền vững, hạn chế tình trạng đầu cơ, đầu tư găm giữ mà chưa đi sát vào nhu cầu ở thực của số đông.
Duy Anh
Theo Dothi.net