Ảnh minh họa shutterstock. |
Đi sang Mỹ luôn là ước mơ của tôi từ khi còn học tiểu học. Có thể nói so với mặt bằng chung của người Việt Nam, tôi khá giỏi tiếng Anh từ trước khi sang Mỹ và luôn là học sinh ưu tú của trường. Khi sang Mỹ lúc tôi 22 tuổi, tôi đã rất hạnh phúc vì cuối cùng ước mơ cũng thành sự thật. Nhưng niềm hạnh phúc cũng chỉ được một tháng vì sau đó tôi bắt đầu đi làm cho một tiệm ăn nhanh của người Hoa.
Khi còn ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ phải đi làm và luôn bị gọi là "công tử bột", nhưng ngay ngày đầu tiên đi làm, từ 9h sáng đến 9h tối tôi đã phải đứng suốt 12-13 tiếng để phục vụ vì đó là nguyên tắc. Mỗi ngày tôi chỉ có 5-10 phút được ngồi để ăn trưa. Sau mỗi ngày làm việc, chân tay tôi rã rời. Mỗi tuần tôi phải làm 6 ngày. Công việc cực khổ, tôi vẫn có thể chịu được, nhưng bên cạnh đó, tôi còn bị khinh khi, miệt thị vì người quản lý tiệm và khách hàng cứ tưởng tôi ít học nên nạt nộ, coi thường tôi như những người nhập cư lậu lao động chân tay rất phổ biến ở Texas. Tôi chịu đựng được một năm để quen dần với cuộc sống ở Mỹ, sau đó tôi chuyển đi nơi khác và cũng làm cho một nhà hàng khác được hơn nửa năm.
Tôi luôn muốn đi học trở lại vì giấc mộng Mỹ của tôi khá lớn nhưng tôi không thể đi học liền, vì tôi phải định cư ít nhất một năm mới được hưởng ưu đãi của người định cư. Nói thật, cho dù học cỡ nào với người nước ngoài ở Việt Nam, phát âm tiếng Anh của tôi vẫn rất tệ và lúc mới qua, người Mỹ nghe tôi nói chẳng hiểu gì hết và họ nói nhanh quá nên tôi cũng chẳng nghe kịp, cho dù điểm TOEFL trên giấy của tôi là 565 điểm. Vì thế tôi khuyên các bạn không nên tốn tiền để học Anh văn giao tiếp với người nước ngoài ở Việt Nam làm chi vì chẳng bao giờ đúng được. Giáo viên dạy ở Việt Nam toàn là Tây ba lô đến từ khắp nơi trên thế giới nên trình độ của họ cũng thấp lắm. Thậm chí họ còn phát âm sai bét vì họ phát âm theo tiếng địa phương của họ. Vì thế tôi khuyên các bạn chỉ cần học đọc, viết, nghe băng và tập nói chuyện với nhau tại các câu lạc bộ tiếng Anh là đủ rồi.
Sau một năm rưỡi định cư, tôi thi xếp lớp và được học thẳng vào chương trình đại học tại một trường cao đẳng cộng đồng (Community College) vì học phí rẻ hơn đại học (University) rất nhiều. Tôi quyết định học lại từ đầu cho dù trước khi đi Mỹ, tôi đang là sinh viên năm 4 của Đại học Mở, vì hai lý do: thứ nhất, hỗ trợ tài chính của chính phủ chỉ xét cho sinh viên học từ năm nhất. Thứ hai, ước mơ của tôi là học trường nha khoa, một trong hai ngành khó vào nhất nước Mỹ (Nha khoa và Y khoa).
Nha khoa và y khoa rất khó vào vì đó là hai ngành có thu nhập cao hàng top trên nước Mỹ. Để vào được các trường này, điểm số trung bình các môn học (GPA) sau 3 năm đầu tiên phải nằm trong top 10. Điểm thi xét tuyển (DAT cho nha khoa và MCAT cho y khoa) phải càng cao càng tốt. Ngoài việc học ra, sinh viên phải hoạt động phong trào, gia nhập các câu lạc bộ của sinh viên, làm các công tác từ thiện, tình nguyện viên và nghiên cứu khoa học với giáo sư trong trường. Tất cả những tiêu chuẩn này sẽ được quy ra thành điểm số để cho vào công thức xét tuyển. Mỗi năm, riêng nha khoa, hơn 2.000 bộ hồ sơ dự tuyển được nộp vào một trường. Sau đó máy tính sẽ chọn ra 300 người có điểm số cao nhất để phỏng vấn và cuối cùng chỉ có 85-90 người được chọn để theo học tại một trường.
Khi biết ước mơ của tôi, ai cũng nghi ngờ tính khả thi của nó vì họ nghĩ làm sao tôi “đấu” lại người Mỹ trong khi tiếng Anh của tôi còn quá hạn chế, và tôi lại mới qua đây chưa được bao lâu. Khi mới vào mùa học đầu tiên, mọi thứ cực kỳ khó khăn với tôi vì tiếng Anh còn rất hạn chế, nhất là ngôn ngữ khoa học, toán, chuyên ngành. Mọi thứ quá khác lạ, mới mẻ, nhưng tôi quyết tâm học ngày học đêm để đạt được điểm số cao nhất. Tôi quyết định không đi làm vì tôi muốn học tốt để có học bổng dành cho sinh viên giỏi trong mấy mùa sau. Tôi đã thành công. Mùa học đầu tiên tôi luôn đứng đầu tất cả các lớp và gây được ấn tượng rất tốt với các giáo viên trong trường. Tôi được họ đề cử cho đi dạy kèm hầu như tất cả các môn tôi đã học và tôi làm công việc đó suốt một năm.
Sau một năm rưỡi, tôi chuyển lên đại học (Texas A&M University) và học tiếp hai năm với hỗ trợ toàn phần từ chính phủ và học bổng của trường. Mọi thứ ngoại trừ ăn ở với gia đình, tôi phải tự tìm hiểu và tự lo hoàn toàn. Bên cạnh việc học, tôi đã làm rất nhiều hoạt động xã hội, tình nguyện viên từ thiện và làm nghiên cứu sinh với giáo sư chuyên ngành di truyền. Tôi đã tốt nghiệp chương trình 4 năm đại học trong 3 năm rưỡi với tấm bằng thủ khoa (Summa Cum Laude) ngành sinh vật (Biology), một trong những ngành khó nhất của trường. Tôi được mời đi phỏng vấn và được nhận vào học ở cả ba trường nha khoa trong Texas mà tôi nộp hồ sơ dự tuyển. Đó là thành quả cực kỳ lớn với ngay cả người Mỹ, lại càng lớn hơn với người châu Á vì người Mỹ luôn được ưu tiên hơn.
Tất cả những thành quả đó chỉ gói gọn trong hai từ, đó là “chăm chỉ”. Khi bắt đầu vào mùa học, hầu như tôi không đụng đến TV vì tôi muốn dành thời gian đó cho tập thể thao. Tất cả các ngày cuối tuần, thay vì đi chơi với bạn bè như đa số sinh viên Mỹ, tôi ở trong thư viện học bài từ sáng đến tối, học trước, học thêm, học kỹ vì tôi không thích “nước tới chân mới nhảy” và muốn duy trì mỗi ngày đều được ngủ đủ 8 tiếng. Tính kỷ cương và cần cù đã giúp tôi thành công trong một khoảng thời gian rất ngắn, giúp tôi làm những điều dường như là “không tưởng” và giúp tôi hòa nhập rất nhanh với cuộc sống nơi đất khách quê người từ hai bàn tay trắng.
Sau cùng, tôi có lời khuyên như thế này: hãy luôn nhìn về phía trước, lên kế hoạch cụ thể để thực hiện hoài bão của mình. Bỏ lại sau lưng toàn bộ quá khứ “tươi đẹp” khi còn sống ở Việt Nam. Đừng nghĩ tới nó khi bắt đầu cuộc sống mới vì sự khó khăn chắc chắn sẽ là “không tưởng tượng nổi” và nếu cứ ôm “mối tình đẹp” với quê hương thì chắc chắn sẽ có ngày “đoàn tụ vĩnh viễn” với nó. Thế nhưng, tương lai, sự nghiệp, cơ hội trên đất Mỹ thì bao la, đừng nên bỏ lỡ.
Theo vnexpress.net