Nhìn toàn cục, thị trường căn hộ trên địa bàn thành phố đang trong tình trạng ế ảm, sức mua yếu trong khi nguồn cung rất lớn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, vẫn có một vài điểm sáng mua bán nhộn nhịp. Theo đánh giá của giới chuyên môn, nguyên nhân chủ yếu là do tác dộng của yếu tố hạ tầng. Hiện tượng các dự án dọc theo đại lộ Đông - Tây không có hàng để bán là một trường hợp điển hình.
Con đường đánh thức cả một khu vực
Trước khi có đại lộ Đông - Tây, BĐS trên địa bàn các quận huyện ở cánh tây - nam thành phố như Bình Tân và huyện Bình Chánh (ở đầu đại lộ Đông - Tây, cách trung tâm thành phố khoảng 15km) ít được chú ý. Chỉ cách trung tâm thành phố dưới 15km nhưng giá nhà đất khu vực này lại thấp hơn rất nhiều - từ 30 – 40% nếu so với giá nhà đất trên địa bàn các quận phía đông thành phố như quận Thủ Đức, quận 9... Nguyên nhân chủ yếu là do việc kết nối giao thông từ khu vực của ngõ tây - nam và khu trung tâm thành phố luôn trong tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông triền miên.
Hàng trăm khách hàng tập trung ở sàn giao dịch BĐS Nam Phát để chờ đi xem các dự án căn hộ ở dọc đại lộ Đông - Tây. Ảnh: Quỳnh Mai |
Không chỉ các quận, huyện phía tây nam mà cả các tỉnh miền Tây Nam Bộ khi muốn vào thành phố đều phải lưu thông theo trục đường Kinh Dương Vương - An Dương Vương. Chính điều này làm cho thị trường BĐS khu vực phía tây – nam không tài nào bật lên được, mặc dù mặt bằng giá rất thấp. Cách đây 2 năm, khi đại lộ Đông - Tây chưa hoàn thành, giá bán căn hộ loại bình dân trên địa bàn quận Bình Tân chỉ tầm 8 - 10 triệu đồng/m2. Thực tế, chẳng chủ đầu tư nào dám đầu tư các dự án cao cấp vào khu vực này, nếu có đầu tư thì cũng không bán được. Mọi chuyện đã thay đổi, giá nhà đất trên địa bàn các quận Bình Tân và huyện Bình Chánh càng ngày càng gia tăng theo tốc độ hình thành của đại lộ Đông - Tây.
Từ 1 năm trở lại đây, giá nhà đất dọc tuyến đường này liên tục gia tăng, tốc độ tăng giá có thể gọi là chóng mặt. Cùng với việc đưa ra hoạt động đại lộ Đông - Tây , hàng loạt các dự án BĐS rầm rộ triển khai dọc tuyến đường huyết mạch này. Có thể nói, các dự án bán căn hộ chung cư “ăn theo” đại lộ Đông - Tây thực sự “hốt bạc”. Một loạt các dự án như Terra Rosa, Tân Tạo, Đại Thành... có giá bán từ 12 -14 triệu đồng/m2, chỉ sau vài tuần bán hàng đã được giới đầu tư và người mua nhà để ở gần như “vét sạch”. Một số chủ đầu tư ngoài miệng bảo hết hàng, nhưng thực tế là họ ngừng bán ra để “ém” hàng chờ tăng giá bán trong tương lai.
Chen nhau đặt chỗ
Nhìn chung, khu vực phía tây - nam hiện nay không có nhiều dự án còn hàng. Một vài dự án bán căn hộ với giá 12- 13,5 triệu đồng/m2 mặc dù cách đại lộ Đông - Tây khoảng 1 - 2km nhưng có kết nối với đại lộ Đông - Tây vẫn rất hút khách. Cả khu vực phía tây - nam hiện nay chỉ có dự án Happy Plaza còn hàng để bán ra. Thị trường phía tây - nam quá nóng, kéo được đông đảo các sàn giao dịch tên tuổi đổ về làm ăn. Dự án Happy Plaza - chỉ có 600 căn hộ, nhưng có đến 10 sàn giao dịch BĐS giành nhau quyền phân phối. Hiện nay, chủ đầu tư và các Cty môi giới mới chỉ cho khách hàng, giữ chỗ chưa chính thức bán hàng nhưng cứ đến dịp cuối tuần thì các sàn giao dịch BĐS làm môi giới đưa hàng đoàn khách đi tham quan dự án. Tình trạng chen nhau mua căn hộ trong các dự án dọc theo theo đại lộ Đông - Tây hoặc “ăn theo” đại lộ Đông Tây đã làm lật ngược tình thế người mua cần người bán. Số lượng đăng ký quá nhiều làm cho các sàn đặt ra “lệ”, muốn mua phải đặt tiền giữ chỗ 50 triệu đồng/căn hộ. Chỉ tính riêng số lượng người giữ chỗ mua căn hộ Happy Plaza tại sàn giao dịch BĐS Tấc Đất Tấc Vàng là hơn 200 người, với số tiền giữ chỗ lên đến hơn 10 tỉ đồng. Điều này khiến dư luận không khỏi đặt vấn đề, liệu việc các sàn giao dịch BĐS thu tiền giữ chỗ của khách hàng có phải là hình thức chiếm dụng vốn hay không ?
Về vấn đề này, ông Võ Thanh Tùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Happy, chủ đầu tư dự án Happy Plaza - cho rằng: “Dự án chúng tôi nhận tiền giữ chỗ của khách hàng hoàn trả, cộng thêm lãi suất được tính theo lãi suất tiền gửi tiết kiệm không thời hạn của công ty; căn cứ vào ngày ghi trên phiếu nộp tiền của khách hàng vào ngân hàng cho đến thời điểm nhận lại tiền đặt chỗ cho những khách hàng chưa giao dịch thành công.
Đối với khách hàng giao dịch thành công thì doanh nghiệp chúng tôi cũng chuyển số tiền đặt chỗ (cộng thêm lãi suất được tính theo lãi suất tiền gửi tiết kiệm không thời hạn) sẽ chuyển vào tiền thanh toán đợt 1 khi ký kết hợp đồng”. Ông Hoàng Anh Tuấn - Tổng giám đốc Cty cổ phần Tấc Đất Tấc Vàng - cho rằng: “Công ty cổ phần Tấc Đất Tấc Vàng là đơn vị phân phối sản phẩm của dự án Happy Plaza và dự án The Green River - dự án tại Mỹ Phước 4, Bình Dương, theo phương pháp nhận tiền giữ chỗ.
Thứ nhất, do số lượng khách hàng quá lớn chúng tôi bắt buộc phải ưu tiên cho những khách hàng giữ chỗ trước. Thứ hai, thời gian quảng bá dài sẽ giúp công ty tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn, hiểu được nhu cầu sâu xa của khách hàng và ngược lại, cũng giúp khách hàng có thời gian tìm hiểu, suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định nên mua hay không. Đây là phương pháp tốt để sản phẩm đến tay khách hàng thật sự một cách trực tiếp mà không cần qua trung gian, tránh sự đầu cơ...”.
Theo báo Lao Động