Tuyến đường vành đai 3 và 4 sẽ là hai tuyến giao thông vành đai đô thị và tuyến giao thông liên vùng, có cấp hạng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu giao thông với vận tốc cao, phân luồng từ xa, giảm áp lực giao thông qua nội thành TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương thuộc vùng dự án hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường vành đai 3, 4 của thành phố.
Quy hoạch chi tiết sẽ được coi là phương án thay thế cho việc lập dự án toàn tuyến trước đây, vốn có quy mô lớn, khó có thể đầu tư toàn bộ một lần trong điều kiện nguồn lựcngân sáchhạn chế như hiện nay và xét cho từng đoạn tuyến trên Vành đai lại có nhu cầu đầu tư, hình thức đầu tư, phương án đầu tư cũng khác nhau.
Theo đề xuất nghiên cứu của cơ quan tư vấn, 2 tuyến vành đai nói trên sẽ đi qua 15 quận, huyện thuộc 5 tỉnh, thành phố (TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An).
Tuyến vành đai 3 dự kiến có điểm đầu tại khoảng Km38, điểm cuối tại khoảng Km 0 đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, chiều dài khoảng 100 km, quy mô kỹ thuật là đường cao tốc đô thị, mặt cắt ngang 6-8 làn xe.
Tuyến vành đai 4 có điểm đầu tại Km 40 đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, điểm cuối nối với trục Bắc – Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước (TP HCM), tổng chiều dài khoảng 197,6 km. Quy mô kỹ thuật là cao tốc đô thị, mặt cắt ngang 6-8 làn xe.
Cơ quan tư vấn cũng đã đề xuất một cơ chế tổ chức thực hiện dự án, đặc biệt là vấn đề quản lý quy hoạch, tạo quỹ đất để có một nguồn lực đầu tư phù hợp để triển khai 2 công trình ước tính trị giá khoảng 8 tỷ USD này./.