Cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 120km, Vũng Tàu từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc của rất nhiều du khách. Song giữa lòng thành phố biển xinh đẹp này vẫn còn bao điều khám phá thú vị nếu ai đó biết chọn cho mình một chuyến "city tour”…
Phố biển Vũng Tàu nhìn từ trên cao
Sau những phút giây ngâm mình dưới làn nước biển trong xanh, thả hồn cùng phố biển về đêm và thưởng thức đủ loại hương vị của các món hải sản từ hôm trước, bạn hãy bắt đầu một ngày mới với chuyến "city tour” thú vị. Điểm đầu tiên khá quen thuộc với du khách là tượng Chúa giang tay trên đỉnh Núi Nhỏ (đỉnh Tao Phùng), được dẫn lối bởi 1.000 bậc thang từ mũi Nghinh Phong. Đến đỉnh Núi Nhỏ, du khách còn phải chinh phục 133 bậc thang trong lòng tượng Chúa theo hình xoắn ốc mới lên được hai cánh tay tượng Chúa. Hai cánh tay tượng có chỗ đứng như một ban công ở độ cao 170m so với mực nước biển với sức chứa 4-5 du khách. Từ đây, những thắng cảnh như Bãi Sau, Hòn Bà, mũi Nghinh Phong… của phố biển đều thu vào tầm mắt. Con đường ven biển Hạ Long - Quang Trung uốn lượn ôm sát chân Núi Nhỏ cũng bỗng trở thành một con rắn khổng lồ đang trườn mình giữa sóng nước…
Rời tượng Chúa giang tay, du khách có thể vòng về hướng Bãi Trước theo con đường ven biển. Qua bến tàu cánh ngầm vài chục mét là đường Hải Đăng dẫn lên một đỉnh khác của Núi Nhỏ, nơi ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam vẫn hằng đêm tỏa sáng. Đường lên hải đăng rộng, tuy có nhiều khúc cua nhưng khá dễ chinh phục. Hải đăng Vũng Tàu ở độ cao 170m so với mực nước biển và đã có 150 năm tuổi đời. Ở đây, bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố và khu vực Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dứa…, bổ sung cho những góc khuất mà ở đỉnh Tao Phùng không thấy được. Nhưng trước khi lên khám phá hải đăng, sẽ thật thích thú nếu dừng chân tại Bảo tàng Vũ khí cổ - bảo tàng Vũ khí cổ của tư nhân đầu tiên tại Đông Nam Á, ngay dưới gần chân núi. Nơi đây trưng bày hàng ngàn hiện vật gồm súng ống, gươm giáo, quân phục… của các quốc gia từ nhiều thế kỷ do "ông Tây” Robert Taylor sưu tập.
Tham quan trận địa pháo cổ (Ảnh: H.Thư)
Cách ngọn hải đăng không xa là di tích Bạch Dinh. Được người Pháp xây dựng từ năm 1898 đến năm 1916 để làm nơi nghỉ mát cho viên Toàn quyền Pháp tại Đông Dương Paul Doumer, Bạch Dinh có tên gọi theo tiếng Pháp là Villa Blanche, theo tên cô con gái yêu của viên Toàn quyền này. Nghĩa tiếng Việt của từ Villa Blanche lại trùng với dáng sắc bên ngoài của di tích nên dân địa phương quen gọi là Bạch Dinh, tức biệt thự trắng. Bao quanh Bạch Dinh là rừng cây giá tỵ (cây báng súng) và rừng hoa sứ ngũ sắc. Khi hoa sứ nở, Bạch Dinh toát lên một vẻ đẹp lãng mạn, đài các. Tại Bạch Dinh còn trưng bày bộ sưu tập pháo cổ và một số cổ vật đời nhà Thanh (Trung Quốc) được vớt tại khu vực Hòn Cau (Côn Đảo), cũng rất đáng để du khách tìm hiểu.
Tượng Chúa giang tay
Từ Bạch Dinh, chỉ cần vài chục bước chân là bạn đã đến khu cáp treo Vũng Tàu. Tại đây, những ai yêu thích cảm giác mạnh có thể mua vé đi cáp treo lên đỉnh Núi Lớn để tham gia các trò chơi như máng trượt, đu quay, đua xe công thức 1, thuyền cướp biển… và ngắm toàn cảnh Vũng Tàu từ 210m so với mực nước biển. Sau khi thỏa thích với những trò chơi hiện đại, điểm đến tiếp theo của hành trình là khu Sao Mai – Bến Đình, nơi có trận địa pháo cổ nằm trên sườn Núi Lớn. Đây là một phần của trận địa pháo cổ lớn nhất Đông Dương, với 6 khẩu pháo cỡ nòng 240mm, trọng lượng mỗi khẩu hơn 15 tấn vẫn còn nguyên trên bệ.
Một ngày khám phá thành phố biển sắp kết thúc khi ánh chiều nhạt dần trên những con sóng. Đã đến lúc mọi người có thể dừng chân, ngồi thảnh thơi trong các nhà hàng sát bờ biển để thưởng thức đủ loại hải sản tươi ngon. Ấn tượng về thành phố biển Vũng Tàu cứ thế lưu mãi cả trong tuần làm việc mới đầy hứng khởi.
Theo Đại Đoàn Kết