Nhân viên phòng kế toán một ngân hàng thương mại trên phố Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) sáng 6/7 khẳng định, lãi suất các kỳ hạn 2 - 3 tháng giảm 1% so với trước, còn 17% một năm với số tiền từ 300 triệu đồng trở lên. Song ở kỳ hạn một tháng, nhà băng này vẫn huy động 18% một năm.
18% cũng là lãi suất đầu vào của một ngân hàng thương mại trên phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội), giảm 0,5% so với trước. Theo nhân viên giao dịch, hiện tại, lãi cao nhất đối với các kỳ hạn từ một đến 3 tháng vẫn là 18,5%, nhưng chỉ áp dụng với số tiền trên 1 tỷ đồng. Từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 0,5%. Ít hơn 500 triệu đồng, người gửi được nhận 17,5% lãi một năm, nhân viên cho biết.
Lãi suất huy động niêm yết và "đi đêm" của một số nhà băng đã giảm so với trước. Ảnh minh họa: Tuệ Minh. |
Theo chị này, các ngân hàng khác cũng đã giảm. Tùy nhu cầu từng thời kỳ, lãi huy động có thể cao lên tới 20- 21% hoặc thấp chỉ còn 8%, chị nói.
Tại TP HCM, xu hướng hạ nhiệt lãi suất cũng được ghi nhận. Giám đốc phòng giao dịch một ngân hàng cổ phần nằm trên đường 3/2, quận 10 thông tin, nếu trước đây khoản lãi suất huy động thỏa thuận tối đa của đơn vị này lên tới 20% thì hiện giờ chỉ còn khoảng 19%. Một số ngân hàng lớn khác cũng cho biết, hiện đã giảm lãi suất thỏa thuận xuống còn quanh mức 16-17% một năm.
Lý giải cho xu hướng giảm nhiệt lãi suất huy động, Phó tổng giám đốc Eximbank cho rằng, trên thị trường liên ngân hàng, nơi các ngân hàng giao dịch với nhau thời gian gần đây, lãi đã giảm xuống còn khoảng 16% một năm. Do đó, các ngân hàng cũng suy nghĩ kỹ hơn về việc huy động lãi suất cao, vì không còn lời nhiều khi cho vay trên thị trường liên ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước thời gian qua mua một lượng lớn USD dự trữ, đã cung ứng ra thị trường một lượng tiền đồng không nhỏ. Đồng thời, các ngân hàng đã huy động được lượng vốn đáng kể nên vấn đề thanh khoản không quá căng thẳng. Do đó, lãi suất huy động giảm nhẹ hiện nay là điều dễ hiểu, ông nói.
Phó tổng giám đốc của một ngân hàng cổ phần có trụ sở trên đường Hàm Nghi, quận 1 cho rằng, Ngân hàng Nhà nước thông qua thị trường mở (OMO) đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp xúc được nguồn vốn. Hơn nữa lãi cho vay cao khiến doanh nghiệp sản xuất khó tiếp cận, còn phi sản xuất thì bị siết nên ngân hàng không thể tăng tín dụng. Do đó, các nhà băng cũng không thể huy động nhiều khiến lãi suất đầu vào giảm nhẹ. Hiện lãi suất OMO đã trở lại mức 14% một năm thay cho mức 15% một năm điều chỉnh hôm 17/5.
Nhưng theo vị này, để duy trì thanh khoản nên các ngân hàng hiện không thể giảm mạnh lãi suất huy động mà chỉ nhìn nhau giảm một cách nhỏ giọt. Trừ phi Ngân hàng Nhà nước có sự can thiệp hoặc một nhà băng nào đó đứng ra "tuyên bố" giảm lãi suất một cách chính thức mới hy vọng lãi giảm một cách rõ rệt, ông nói. Dù thế, với bối cảnh hiện nay, khi dự báo lạm phát vẫn còn ở mức cao trên 17%, xu hướng giảm lãi suất huy động trong thời gian tới không thể rõ nét, có khi phải đợi đến qua năm sau.
Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) nhận định, lãi suất huy động giảm là phù hợp với cung cầu của thị trường. Ông Thọ phân tích, khi CPI tháng 6 có mức tăng thấp nhất từ đầu năm, lãi suất đầu vào thấp đi là tất yếu. Nguyên nhân là lãi suất phụ thuộc vào CPI, nếu CPI cao thì lãi suất sẽ cao, và ngược lại, nếu CPI được kiểm soát thì lãi suất phải giảm.
Phó Tổng giám đốc Vietinbank cũng bày tỏ, ngoài CPI, tín dụng bất động sản và chứng khoán bị siết cũng là yếu tố tác động đến sự hạ nhiệt của lãi suất đầu vào. Lãi cho vay cũng bớt căng thẳng hơn là cơ sở để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng, tạo ra nhu cầu về vốn, tăng tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Phó Tổng giám đốc Vietinbank bày tỏ.
Theo ông Thọ, việc hạ lãi suất hiện tại gần như không làm cho thanh khoản ngân hàng bị ảnh hưởng. "Thanh khoản sẽ ảnh hưởng khi có sự mất cân đối giữa huy động vào và cho vay ra. Còn trong trường hợp này, lạm phát đang dần được kiểm soát, tháng sau luôn có mức tăng thấp hơn tháng trước nên mặt bằng lãi thực dương 15- 17% hiện nay là hợp lý", ông Thọ nói.
Lãi suất huy động giảm cũng có tác động ít nhiều đến lãi suất cho vay. Theo khảo sát của VnExpress.net, một vài nhà băng trước đây có mức lãi vay cao chót vót, nay cũng đã có xu hướng hạ xuống. Tại ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất 18,5% một năm trên phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) nói trên, lãi vay điều chỉnh hạ xuống 0,5- 1%, còn khoảng trên dưới 22% (trước là hơn 23%).
Thậm chí, lãi suất huy động theo thông báo của nhiều ngân hàng cũng có xu hướng giảm.
Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cuối tháng 6 đã bắt đầu giảm niêm yết lãi suất huy động tiền đồng. Theo đó, lãi suất tiền gửi cao nhất chỉ còn 13,97% một năm (kỳ hạn 1, 2, 3 tháng), áp dụng cho chương trình khuyến mãi "5 ưu đãi lớn cùng chứng chỉ tiền gửi Eximbank" và với loại tiết kiệm thông thường, mức cao nhất chỉ khoảng 13,85% một năm.
Trước đó, Techcombank với sản phẩm “Tiết kiệm bội thu”, lãi suất huy động của ngân hàng từ 1 tuần đến 3 tháng từ 13,7% đến 13,9% một năm, trong khi kỳ hạn 4 và 6 tháng, lãi suất chỉ còn 13,5% mỗi năm.
Trước đó, cả Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch đầu tư đều xác nhận lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại đã vượt trần 14%, trung bình trên 15% một năm. Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nguyễn Văn Bình thông tin, nguyên nhân lãi tăng cao là sức ép của lạm phát tăng, kinh tế vĩ mô có diễn biến chưa ổn định và nhu cầu cao về vốn đầu tư của toàn xã hội.
Lệ Chi- Tuệ Minh
Theo vnexpress.net