Trước yêu cầu đặt ra của Chính phủ, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục các giải pháp nhằm hạ lãi suất huy động, lãi suất cho vay trong quý III này.
Truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và tháng 6/2010, tại buổi họp báo chiều 2/7, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định, các mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% và kiềm chế lạm phát từ 7 - 8% nhiều khả năng sẽ đạt được.
Tuy nhiên, ông Phúc cũng cho biết, Thủ tướng đánh giá nền kinh tế vẫn còn một số tồn tại như nhập siêu và lãi suất vẫn ở mức cao... Thủ tướng yêu cầu, cần tiếp tục kiên trì các mục tiêu đã đề ra, trong đó, chú trọng kiểm soát chặt chẽ giá cả, tiếp tục hạ lãi suất ngân hàng…
Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, lãi suất huy động bình quân hiện nay là 11%, trong khi lãi suất cho vay bình quân 13,4%.
Từ 1/7, các Ngân hàng Thương mại Nhà nước và một số Ngân hàng Thương mại cổ phần lớn đã áp dụng cho vay sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu với lãi suất khoảng 12%, cao nhất là 12,5%.
Cân đối vốn của các ngân hàng tương đối tốt
Ông Bảo cho biết, NHNN vừa họp với các ngân hàng và quyết định, tiếp tục giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay trong quý III. Cũng theo ông Bảo, cân đối vốn của các ngân hàng tương đối tốt, tốc độ tăng trưởng vốn huy động cao hơn tốc độ cho vay và các ngân hàng đã đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất.
Thứ trưởng Bộ Tài chính, Nguyễn Công Nghiệp bổ sung thêm, lãi suất hiện nay vẫn còn cao và nếu cứ giữ như vậy sẽ khó khăn cho doanh nghiệp. “Chúng ta không coi thường lạm phát, nhưng cũng phải có giải pháp cho doanh nghiệp phát triển ổn định”, ông Nghiệp nói.
Liên quan đến chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc – Nam chưa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp vừa qua, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ tiếp tục chuẩn bị để trình Quốc hội trong kỳ họp sau hoặc kỳ họp sau nữa.
|
Ông Nghiệp cho rằng, giai đoạn hiện nay cần phải tập trung kéo lãi suất xuống thấp hơn. Cũng theo ông, với việc lãi suất trái phiếu Chính phủ vừa qua hạ xuống dưới 10% sẽ có tác dụng định hướng cho lãi suất chung giảm thấp hơn.
Chuyển sang vấn đề “nóng bỏng” thời gian qua là thiếu điện, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, 6 tháng đầu năm, sản lượng điện tăng 17%, nhưng do thời tiết nắng nóng nên vẫn không đáp ứng đủ.
“Ở đây công tác dự báo là khuyết điểm, một số dự án nhà máy điện vào chậm cũng là khuyết điểm hay việc điều hành, tiết kiệm điện cũng còn những vấn đề’, ông Phúc thẳng thắn.
Theo ông Phúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Đào Văn Hưng đã có văn bản báo cáo Chính phủ, Ban Bí thư nhận khuyết điểm, đồng thời nêu lên những khó khăn khách quan thời gian qua.
“Trong việc thiếu điện vừa qua có phần trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam… Nhưng thực tế phân tích chúng ta cũng phải nhìn nhận các yếu tố chủ quan, khách quan trong tồn tại này để khắc phục”, ông Phúc nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phạm Viết Muôn cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng thị trường điện cạnh tranh, trong đó có việc tổ chức lại EVN. Cụ thể, sẽ tổ chức lại các đơn vị phân phối điện, còn với phát điện, giao Bộ Công thương và EVN xây dựng đề án chuyển các nhà máy thành các đơn vị độc lập.
“Tinh thần là làm gì thì làm, nhưng nền kinh tế phải có điện”, ông Muôn nói. Tuy nhiên, theo ông, việc tái cơ cấu, tổ chức lại EVN không giống như tái cơ cấu Vinashin.
Theo dantri.com.vn