Công ty Hàn Quốc muốn xây sân bay Quảng Ninh, doanh nghiệp Nhật quan tâm sân bay Long Thành, Mỹ tìm kiếm cơ hội đầu tư. Không thể dựa vào vốn nhà nước, Việt Nam đang "mở cửa" mời tư nhân nước ngoài.
Trước nay, Việt Nam luôn tự túc nguồn vốn nhà nước dùng để phát triển cơ sở hạ tầng hàng không. Tuy nhiên, với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam xây thêm 5 sân bay nữa cộng với việc nâng cấp sửa chữa 21 sân bay hiện có thì số tiền cần có lên đến khoảng hơn 220.000 tỷ đồng, Việt Nam đang nghĩ tới chuyện kêu gọi đầu tư.
Đầu tiên, dự án sân bay Quảng Ninh mà tỉnh này công bố quy hoạch hồi tháng 4 cần có khoảng 250 triệu USD tổng vốn đầu tư tới năm 2030. Lúc đó, dự án được thông báo sẽ có nhà đầu tư từ Hàn Quốc gồm Tổng công ty Cảng hàng không Hàn Quốc và Công ty TNHH Jionus.
"Theo kế hoạch, các đơn vị từ Hàn Quốc sẽ phải hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư và trình các cấp có thẩm quyền xem xét trong năm nay nhưng đến thời điểm này họ vẫn chưa có phản hồi cho chúng tôi", lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trao đổi với VnExpress.net.
"Làn sóng" doanh nghiệp nước ngoài quan tâm còn thể hiện ở nhiều dự án sân bay khác. Ông Tadashi Okamura, Chủ tịch phòng Thương mại Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) cho biết trong buổi đối thoại giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Nhật Bản gần đây, các doanh nghiệp Nhật quan tâm và mong muốn hợp tác đầu tư sân bay Long Thành.
Bên cạnh Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ lâu nay vẫn luôn quan tâm việc đầu tư sân bay tại Việt Nam. Vào năm 2010, Tập đoàn ADC & HAS - Mỹ chuyên đầu tư, phát triển các dự án sân bay trên thế giới đã gặp gỡ các lãnh đạo thành phố Đà Nẵng để xúc tiến hợp tác xây sân bay tại thành phố này.
Đến năm 2011, tập đoàn trên tiếp tục để ý đến sân bay Cam Ranh. Tháng 9 vừa qua, ADC & HAS lại đặt vấn đề về việc hợp tác công - tư với các Bộ Giao thông Vận tải.
"Trước đây, việc nâng cấp - xây dựng sân bay, nguồn vốn chủ yếu là từ nhà nước. Tuy nhiên với sự phát triển lớn và nhu cầu hạ tầng cao, Việt Nam chủ trương sử dụng đa nguồn vốn mà hợp tác công tư là một trong những số đó", ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khẳng định.
Theo ông Hùng, chủ trương này đã được khẳng định và sẽ là chủ trương trung và dài hạn của hàng không Việt Nam trong những năm tới. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thành lập cơ quan để triển khai hợp tác công - tư.
Đánh giá về việc này, đại diện nhóm nhà đầu tư Mỹ cho rằng đây là một ý tưởng tiềm năng. "Các nhà đầu tư đều rất quan tâm, mong muốn hợp tác để phát triển các cảng hàng không", đại diện nhà đầu tư từ Mỹ nói.
"Mỹ rất tích cực làm việc với phía Việt Nam để thực hiện những kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng hàng không, chúng tôi có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giữa khu vực tư nhân và nhà nước", đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông David B.Shear khẳng định.
Tất nhiên, với lĩnh vực đặc thù là hàng không, hợp tác công - tư cũng cần có những quy trình đặc biệt. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết trong buổi công bố quy hoạch sân bay của mình: nhà nước đầu tư - quản lý hạ tầng trọng yếu, còn tư nhân có thể khai thác các hạng mục khác như nhà ga - sân bãi - nhà cảng vụ - dịch vụ...
Tốc độ tăng trưởng trong 5 năm từ 2006 đến 2011 của hàng không Việt Nam khoảng 18% và dự báo còn rất nhiều tiềm năng trong những năm tới. Việt Nam đang thực hiện hàng loạt dự án: dự án nhà ga T2 tại Nội Bài (có thể lên T3, T4 trong tương lai), mở rộng - nâng cấp Tân Sơn Nhất để đáp ứng khai thác 25 triệu hành khách một năm (hiện nay là 18 triệu). Gấp rút xây dựng sân bay quốc tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để khánh thành tháng 12 tới,. Cảng Phú Bài (Huế) cũng có dự án nâng cấp, cảng hàng không Vnh sẽ triển khai xây dựng nhà ga mở rộng. Cảng Cát Bi (Hải Phòng) đầu tư thêm một đường hạ cất cánh. |
Theo Báo VnExpress