Theo Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/04/2009, năm 2015, dự báo tỷ lệ đô thị cả nước là 38%, năm 2020 là 45%, năm 2025 là 50%.
Trong 10 năm tới, tốc độ đô thị hóa cũng như sự dịch chuyển dân số cơ học từ nông thôn ra thành thị sẽ tăng nhanh hơn so với giai đoạn 2001-2010 (dự báo bình quân 1,5%/năm).
Theo số liệu thống kê, tại thời điểm năm 1999, bình quân nhân khẩu của một hộ gia đình nước ta vẫn ở mức cao, khoảng 4,5 người/hộ; trong 10 năm qua, cơ cấu hộ gia đình ở nước ta đã có nhiều thay đổi (hầu hết các hộ gia đình chỉ có 02 thế hệ ở chung), đến thời điểm 01/4/2009, bình quân nhân khẩu của một hộ gia đình chỉ còn là 3,8 người/hộ. Trong 10 năm tới, cơ cấu hộ gia đình, đặc biệt là tại khu vực đô thị nước ta sẽ còn thay đổi với xu hướng bình quân nhân khẩu tiếp tục giảm xuống khoảng 3,2-3,4 người/hộ, tại nông thôn khoảng 3,5-3,7 người/hộ.
Theo thống kê, tổng diện tích nhà ở toàn quốc hiện khoảng 1.415 triệu m2. Diện tích nhà ở bình quân tính theo đầu người là 16,7m2/người, tại khu vực đô thị là 19,2m2/người; Trong 10 năm tới, điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập của các hộ gia đình sẽ có bước tiến đáng kể (theo định hướng GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010. GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 - 3.200 USD); các hộ gia đình sẽ có nhu cầu nâng cao chất lượng tiện nghi và tăng diện tích sử dụng nhà ở.
Dự báo đến năm 2015, diện tích nhà ở bình quân đầu người trên toàn quốc đạt khoảng 22 m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 26 m2 sàn/người và tại nông thôn đạt 19m2 sàn/người; đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người trên toàn quốc đạt khoảng 25m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 29m2 sàn/người và tại nông thôn đạt 22m2 sàn/người.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, để đáp ứng cùng một số lượng diện tích nhà ở, với mỗi mô hình phát triển nhà ở khác nhau (tầng cao trung bình, hệ số sử dụng đất khác nhau) sẽ đòi hỏi một diện tích đất khác nhau. Tại khu vực nông thôn, các đô thị loại 5, nhà ở chủ yếu 1-2 tầng, hệ số sử dụng đất chỉ khoảng 0,3-0,4 lần; tại khu vực trung tâm đô thị đặc biệt, đô thị loại I chủ yếu là nhà ở cao tầng, hệ số sử dụng đất hàng chục lần. Có thể thấy hệ số sử dụng đất của các công trình nhà ở tại các khu vực khác nhau có thể chênh lệc hàng vài chục lần. Do vậy khi tính toán, dự báo diện tích đất ở cần xem xét mô hình phát triển nhà ở cụ thể của từng khu vực.
Đến năm 2010, diện tích đất ở bình quân các đô thị trên cả nước khoảng 51m2/người; diện tích nhà ở bình quân các đô thị trên cả nước khoảng trên 20m2/người. Như vậy hệ số sử dụng đất ở bình quân tại đô thị cả nước (diện tích sàn nhà ở/diện tích đất ở) khoảng 40%. Trong 10 năm tới, với định hướng phát triển nhà ở chung cư, cao tầng tại đô thị hệ số sử dụng đất ở sẽ tăng lên 50-55%.
Đến năm 2015 Tổng diện tích sàn nhà ở trên cả nước khoảng 1.970 triệu m2, tại khu vực đô thị khoảng 905 triệu m2, tại khu vực nông thôn khoảng 1.065 triệu m2. Nếu tính hệ số sử dụng đất ở tại khu vực đô thị khoảng 50% thì nhu cầu diện tích đất ở đô thị là khoảng 180.000-190.000 ha.
Đến năm 2020 Tổng diện tích sàn nhà ở trên cả nước khoảng 2.400 triệu m2, tại khu vực đô thị khoảng 1.260 triệu m2, tại khu vực nông thôn khoảng 1.140 triệu m2. Nếu tính hệ số sử dụng đất ở tại khu vực đô thị khoảng 55% thì nhu cầu diện tích đất ở đô thị là khoảng 220.000-230.000 ha.
T.N
Theo dothi.net