Trao đổi với báo chí sau hội đàm với đại tướng Sergei Kuzugetovich Shoigu - bộ trưởng quốc phòng Liên bang Nga, đại tướng Phùng Quang Thanh - bộ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết hai bên có bàn thảo kỹ về xây dựng trung tâm hậu cần kỹ thuật quân sự tại vịnh Cam Ranh.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh - Ảnh: Nguyễn Khánh
Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Kuzugetovich Shoigu - Ảnh: Nguyễn Khánh
"Quan điểm của Việt Nam là không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam. Không có liên minh với nước ngoài" Đại tướng PHÙNG QUANG THANH |
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói:
- Việc xây dựng trung tâm hậu cần kỹ thuật quân sự chúng ta có chủ trương rồi, giao cho Tổng công ty Tân Cảng thuộc Quân chủng hải quân chủ trì thực hiện, có tham gia liên doanh với Tập đoàn Dầu khí VN và Công ty Vietsovpetro. Ta làm chủ, chi phối, điều hành, quản lý. Chủ quyền là của Việt Nam, còn Công ty Vietsovpetro góp vốn để xây dựng một cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền và các giàn khoan, dịch vụ dầu khí cho các tàu của bất kỳ nước nào, trong đó có Liên bang Nga. Tại đó, chúng ta thực hiện sửa chữa tàu, tiếp dầu, tiếp nước, tiếp lương thực thực phẩm. Các thủy thủ có thể lên bờ đi tham quan, nghỉ ngơi sau chuyến đi đường dài trên biển.
Phải nói thêm, trong Cam Ranh có chia ra làm một số khu vực. Đó là khu vực dành riêng cho hải quân Việt Nam, không cho tàu bè nước ngoài ra vào. Chúng ta làm căn cứ của tàu ngầm, tàu mặt nước, đảm bảo cho nhiệm vụ quân sự của Việt Nam. Thứ hai, khu vực được quy hoạch chuyên làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật dành cho tàu của tất cả các nước sẽ do Tổng công ty Tân Cảng chủ trì, điều hành. Thứ ba là khu vực hoàn toàn dân sự, đó là cảng Ba Ngòi.
* Thưa bộ trưởng, sau khi đi thăm Cam Ranh, bộ trưởng quốc phòng Liên bang Nga đã đánh giá như thế nào về vị trí chiến lược của cảng này?
- Như các bạn đã biết, các nước Nhật Bản, Pháp, Hoa Kỳ, Liên Xô cũ từng đóng quân ở đây. Cho nên phía Nga hiểu rất rõ vị trí chiến lược của cảng Cam Ranh. Đó là vịnh nước sâu, rất lớn và gần đường hàng hải quốc tế. Tàu bè ra vào tránh trú bão, làm nơi dịch vụ hậu cần kỹ thuật rất tốt. Khi trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật hoàn thành, ta cho tất cả tàu các nước vào Cam Ranh chứ không chỉ là Liên bang Nga. Hiện dự án này mới bắt đầu triển khai, nếu nhanh thì phải 2-3 năm nữa mới thành hiện thực.
* Việc triển khai mua sắm vũ khí giữa Việt Nam và Nga sẽ như thế nào?
- Ta có hợp tác với Liên bang Nga về mua sắm vũ khí trang bị để hiện đại hóa Quân chủng hải quân. Việt Nam có đủ sáu binh chủng như không quân hải quân, tàu ngầm, tàu mặt nước, hải quân đánh bộ... Chúng ta đều mua của Liên bang Nga. Đây là bạn bè truyền thống, đối tác chiến lược tin cậy. Đó là chưa kể chúng ta quen sử dụng vũ khí sản xuất từ Liên bang Nga. Đặc biệt, nguồn tài chính của ta hạn hẹp mà giá của bạn cũng rất phải chăng. Chúng ta chọn Nga là đối tác để mua sắm các vũ khí trang bị cho cả phòng không không quân, cho các binh chủng khác.
* Trong chuyến thăm lần này, hai bộ trưởng nói nhiều đến hợp tác hải quân. Đây có phải là một thông điệp trong bối cảnh có những tranh chấp trên biển Đông?
- Đây cũng là điều bình thường. Hiện các nước đều mong muốn hợp tác với hải quân Việt Nam. Không chỉ có Liên bang Nga, như các bạn biết, hải quân của ta và hải quân Trung Quốc cũng có tuần tra chung trên vịnh Bắc bộ rất nhiều năm rồi và hợp tác rất tốt. Hay hải quân Việt Nam hợp tác với hải quân Campuchia, với Thái Lan... Liên bang Nga là một trong các đối tác bạn bè truyền thống có quan tâm đến khu vực này trên tuyến đường hàng hải mà bạn đi qua. Phía bạn muốn ghé lại để làm các dịch vụ hậu cần kỹ thuật, nghỉ ngơi.
* Hợp tác quốc phòng, trong đó đặc biệt là hợp tác hải quân, giữa hai bên sẽ triển khai như thế nào?
- Về hợp tác quốc phòng, dự kiến tổ chức họp bàn mỗi năm một lần. Chẳng hạn, năm nay tổ chức ở ta, sang năm sẽ ở Liên bang Nga. Nội dung sẽ tập trung đối thoại về chính sách quốc phòng của hai nước cũng như đánh giá nhận định về môi trường an ninh của thế giới, của khu vực Thái Bình Dương, khu vực Đông Nam châu Á có liên quan đến lợi ích chiến lược của Việt Nam và Liên bang Nga.
Còn về kế hoạch triển khai hợp tác hải quân giữa hai nước, hiện Việt Nam vẫn còn các loại vũ khí trang bị kỹ thuật chủ yếu của Liên Xô cũ viện trợ trước đây để lại. Chúng ta có mua sắm mới, đóng mới tàu thuyền nhưng cũng từ công nghệ của Nga. Bây giờ việc khai thác, sử dụng hiệu quả rất cần có sự hợp tác từ phía Nga. Các bạn luôn sẵn sàng đào tạo cho chúng ta cán bộ chỉ huy, tham mưu, hải quân, kíp tàu ngầm, công tác bảo dưỡng kỹ thuật cho tàu của hải quân...
* Riêng về lĩnh vực hợp tác đào tạo sĩ quan trẻ, phía Liên bang Nga hỗ trợ Việt Nam như thế nào?
- Hiện có trên 500 sĩ quan của ta đang học ở các nhà trường của Liên bang Nga bằng nhiều con đường như hợp đồng kinh tế, hợp đồng ưu đãi, có giảm một phần học phí đào tạo và cả miễn phí hoàn toàn. Mỗi năm có hơn 100 suất miễn phí hoàn toàn được đào tạo dài hạn ở tất cả lĩnh vực từ chỉ huy tham mưu đến các quân binh chủng... Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ bàn đến chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin. Đây là vấn đề rất quan trọng. Sẽ phải lựa chọn những cán bộ có năng lực gửi đi đào tạo ở Liên bang Nga.
Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo thủy thủ
Ngày 5-3, ngay sau hội đàm, đại tướng Sergei Kuzugetovich Shoigu và đại tướng Phùng Quang Thanh đã thông báo với báo chí về những nội dung mà hai bên trao đổi và đưa đến thống nhất cao. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết hai bên đã thống nhất việc Nga sẽ hỗ trợ đào tạo cho Việt Nam cán bộ, chuyên gia quân sự, đặc biệt trong lĩnh vực hải quân. Việt Nam sẽ tiếp tục mua sắm vũ khí quân sự của Liên bang Nga...
Bộ trưởng Sergei Kuzugetovich Shoigu nhất trí với đề nghị của phía Việt Nam. Theo kế hoạch, năm nay Liên bang Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo thủy thủ và đóng tàu mới.
Đề xuất xây dựng khách sạn 5 sao Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, phía Nga đề nghị xây khách sạn năm sao làm khu nghỉ dưỡng cho quân nhân của Nga và các cán bộ Nga đang làm việc ở Việt Nam. Địa điểm xây khách sạn là ở phía bắc của Cam Ranh, tức gần sân bay Cam Ranh, khu có 16 cây số bãi dài bờ biển - nơi đã chuyển ra bên ngoài để làm du lịch chứ không phải trong khu vực quân sự. |
LÊ THANH
Báo Tuổi Trẻ