Ông Trần thuộc thế hệ người Việt đầu tiên ở Mỹ, sang đây từ sau năm 1975. Cộng đồng người Việt này có khoảng 3.000 người chủ yếu sinh sống ở Buffalo và Cheektowaga. Con cháu họ, thế hệ người Việt thứ hai, dùng tiếng Anh rất thành thạo, nhưng trong buổi lễ tất niên và mừng năm mới này, mọi người hầu hết đều dùng tiếng Việt.
"Một số cháu thấy khó khi nói tiếng Việt, nhưng chúng tôi mở các lớp dạy tiếng cho chùng", ông Trần nói. "Thường ngày thì hầu như các cháu nói tiếng Anh".
Năm con Rồng được người phương Đông quan niệm là một năm tốt để sinh con trai, vì theo tín ngưỡng, Rồng là con vật linh thiêng chứa đựng đầy quyền uy và sức mạnh.
"Chúng tôi giờ đây coi Mỹ là đất nước của mình, nhưng chúng tôi vẫn bảo tồn truyền thống văn hóa Việt", ông Trần nói.
Màn múa lân trong buổi lễ mừng năm mới của cộng đồng người Việt ở New Orleans. Ảnh: nola.com
Xung quanh ông Trần là một buổi lễ rực rỡ sắc màu truyền thống. Người lớn, trẻ con ăn mặc màu sắc tươi sáng, nhảy múa các điệu cổ truyền. Những tay trống người Việt phấn khích chơi trong lúc một đôi song ca bài "Sài Gòn đẹp lắm" bằng tiếng Việt. Màn múa rồng sôi động với hai con rồng đỏ và vàng. Các quầy hàng bán nhiều đồ ăn truyền thống, đồ trang sức và những cuốn sách báo. Một thành viên ban tổ chức lễ hội thông báo rằng các chuyên gia y tế ở Buffalo đã thành lập một nhóm nhằm hỗ trợ các bệnh nhân phẫu thuật ở Việt Nam.
Tại Fort Wayne, bang Indianna, cộng đồng người Việt đã tới nhà thờ để tổ chức lễ mừng năm mới. Cô Nguyễn Phương Anh, 23 tuổi, một trong số những người tham gia buổi lễ hội cầm trong tay những phong bì nhỏ màu đỏ. Bên trong đó chứa những đồng tiền nhỏ, để mừng tuổi trẻ con. "Cái này để mang may mắn đến cho lũ trẻ", cô nói.
Tại thành phố Austin của Texas, cộng đồng sinh viên và nghiên cứu sinh người Việt Nam đã tổ chức họp mặt và liên hoan mừng xuân. Trong buổi lễ, mọi người gói bánh chưng, nấu các món ăn Việt, mừng tuổi các cháu nhỏ và cùng chúc nhau năm mới thịnh vượng và hạnh phúc.
Tại thành phố New Orleans, màn múa lân chào mừng năm mới tại trung tâm cộng đồng Việt diễn ra tưng bừng trước sự phấn khích của các em nhỏ. Emily Hoàng, 8 tuổi, kể rằng lúc bé em rất sợ con lân, nhưng nay em thích thú vô cùng trước cái đầu to và sặc sỡ cùng những bước nhảy chồm thật cao của chúng. "Chúng không đáng sợ", Emily nói, mắt cô bé lấp lánh niềm háo hức. "Những con lân này trông đáng yêu".
Đội múa lân bán chuyên nghiệp gồm 25 thành viên đã luyện tập miệt mài từ hồi tháng 10. Họ cũng sẽ biểu diễn ở một số hội chợ xuân mỗi dịp cuối tuần.
Dù múa lân rồng là những nét truyền thống và biểu tượng mỗi khi đón tết, trái tim của tết vẫn là ở trong mỗi gia đình. Thu Hoàng, điều phối viên trung tâm cộng đồng Việt ở New Orleans, sang Việt Nam sau 1975 khi mới lên 6, cho biết khi thời khắc giao thừa điểm, cô sẽ chúc chồng một năm mới hạnh phúc. Sau đó vợ chồng cô đi sang chúc tết cha mẹ sống ở gần nhà cô.
Cô Lê Thị Oanh, mới từ Vũng Tàu sang Mỹ sống từ tháng 11 vừa rồi, nhớ về những công việc chuẩn bị tất bật mà vui cho Tết Việt. "Tôi sẽ đi chợ mua đủ thứ, kho nồi thịt và nấu nhiều món. Chồng tôi thì bận rộn bày hoa quả, soạn sửa bày biện ban thờ tổ tiên".
Mai Trang
Theo vnexpress