Câu hỏi:
Tôi là người Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc và sống ở Hàn Quốc đã được 14 năm. Hiện tôi có quốc tịch Hàn Quốc. Ba mẹ tôi mất đi có để lại đất đai nhưng ủy quyền toàn bộ số đất cho anh trai tôi. Gia đình tôi có 10 người con, tôi là con gái út. Toàn bộ số đất thừa kế hiện chưa được tách sổ đỏ. Về phần tôi, tôi được hưởng 2 miếng nhưng vì tôi không có quốc tịch Việt Nam nên đến nay tôi cũng không thể tách ra được. Vậy cho tôi hỏi, tôi phải làm sao để có thể đứng tên 2 miếng đất đó?
Tôi xem trên mạng thì thấy là người có gốc Việt nam phải về đầu tư thì mới có quyền mua đất. Vậy tôi phải có giấy phép kinh doanh ở VN mới làm giấy chuyển nhượng được hay sao? Hay là tôi chỉ về ở VN và làm việc ăn lương khoảng 3 tháng trở lên thì có thể làm giấy tờ đứng tên đất được?
Phúc đáp:
Điều 631 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: "Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật, hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật". Khoản 5, Điều 113, Luật Đất đai năm 2003 quy định: "Cá nhân có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật...
Trường hợp người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, Điều 121, Luật Đất đai thì được nhận quyền thừa kế quyền sử dụng đất; nếu không thuộc đối tượng quy định này thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó".
Theo quy định tại Luật số 34/2009/QH12 ngày 18-12-2009 sửa đổi, bổ sung một số Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng "người có quốc tịch Việt Nam; người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước", được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên, có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam. Trường hợp tặng cho, để thừa kế cho đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nêu trên thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.
Căn cứ các quy định của pháp luật nêu trên và điều kiện của mình, nếu bạn thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì bạn có quyền đứng tên quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, là di sản thừa kế. Trường hợp bạn không thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở thì chỉ được hưởng giá trị của ngôi nhà, gắn với quyền sử dụng đất, là di sản thừa kế khi mẹ của bạn qua đời.
Theo Café Luật - DiaOcOnline