Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, nhà nghiên cứu vũ trụ người Mỹ gốc Việt nổi tiếng thế giới, vừa trở về Việt Nam để thuyết trình và thăm quê.
Giáo sư, tiến sĩ vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận. Ảnh: virginia.edu.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận dự kiến sẽ gặp gỡ với bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh; giám đốc nhà xuất bản Tri thức Chu Hảo và gặp gỡ nhiều nhà nghiên cứu khác.
Giáo sư cũng sẽ có các buổi nói chuyện về khoa học tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn và TP HCM với các sinh viên. Chủ đề thảo luận tại những buổi này gồm khoa học và Phật giáo, vị trí của con người trong vũ trụ, phổ biến khoa học, khoa học và đam mê.
Cũng trong dịp này, cuốn "Bầu trời và các vì sao" do ông viết được xuất bản. Đây là cuốn sách dành cho đọc giả đại chúng muốn khám phá thiên văn học. Nó giúp giải thích một cách dễ hiểu những vấn đề lớn như các hệ quan điểm của những triết gia, khoa học về vũ trụ, vũ trụ quan tôn giáo, tri thức về thời gian, vũ trụ thần thoại, ý thức con người.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại Hà Nội. Ngay từ khi còn nhỏ ông đã đam mê thiên văn. Ông thông minh và ham học nên học giỏi đều cả văn học và các môn tự nhiên. Những nghiên cứu của ông tập trung vào việc tìm hiểu quá trình tiến hóa của các thiên hà và cấu tạo hóa học của vũ trụ.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học tại trường Jean Jacques Rousseau ở Sài Gòn (nay là trường PTTH Lê Quý Đôn, thành phố Hồ Chí Minh) vào năm 1966, Trịnh Xuân Thuận sang Thụy Sỹ để học ngành vật lý. Sau một năm, dù chưa thạo tiếng Anh, ông giành được học bổng lên thẳng năm thứ hai của ba trường đại học danh tiếng bậc nhất nước Mỹ.
Trịnh Xuân Thuận học tại Viện Công nghệ California từ năm 1967 tới 1970, rồi học ở Đại học Princeton từ năm 1970 tới 1974. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton rồi giảng dạy vật lý thiên văn tại Đại học Virginia từ năm 1976 tới nay. Ngoài ra giáo sư Thuận còn làm việc cho Viện Vật lý thiên văn Paris và là một trong những người sáng lập Hiệp hội Khoa học và Tôn giáo quốc tế.
Không chỉ nổi tiếng trong giới học thuật với hơn 120 công trình đăng trên các tạp chí khoa học và kỷ yếu các hội nghị khoa học, giáo sư Trịnh Xuân Thuận còn có công trong việc đưa thiên văn học đến gần hơn với công chúng.
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Cao Xuân Hạo từng nhận xét về về Trịnh Xuân Thuận như “một nhà khoa học giàu mỹ cảm, có tư duy logic của một nhà khoa học, nhà triết học và trí tưởng tượng của một nhà thơ sành sỏi thiên văn”.
Giáo sư Thuận đã cho ra mắt nhiều sách có giá trị về vũ trụ học và mối tương quan giữa khoa học và Phật giáo như Giai điệu bí ẩn (1988), Big Bang và sau đó (1992), Hỗn độn và hài hòa (1998).
Năm 2007, giáo sư Trịnh Xuân Thuận được giải thưởng Moron của Viện Hàn Lâm Pháp. Năm 2009, ông được UNESCO trao giải thưởng Kalinga vì các đóng góp trong việc đại chúng hóa khoa học.
Theo vietkieu.biz