Gần đây, quy hoạch TP đã có sự chuyển biến tốt nhờ có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài.
Đề tài Đô thị lộn xộn do bao cấp quy hoạch (Pháp Luật TP.HCM ngày 22-2) tiếp tục nhận được sự quan tâm của bạn đọc và các nhà chuyên môn. Sau đây là ý kiến của các KTS Nguyễn Trọng Hòa và Lưu Trọng Hải, những người có ảnh hưởng nhất định đến vấn đề quy hoạch của TP.
Siêu đô thị là xu thế tất yếu
Siêu đô thị là câu chuyện mà thế giới đã phải đối mặt từ rất lâu. Đó là xu thế tất yếu và thế giới đã giải quyết bài toán này bằng cách đầu tư xây dựng các TP vệ tinh nhằm chia sẻ áp lực cho TP cũ. TP.HCM cũng sẽ không nằm ngoài quy luật này. Có thể khẳng định TP chúng ta hiện nay đã trở thành một siêu đô thị và con số 10 triệu dân là không tránh khỏi. Do vậy, cần phải có những nghiên cứu đa ngành về việc quy hoạch các TP vệ tinh. Hiện TP đã có những khu đô thị vệ tinh đang dần được hình thành như Thủ Thiêm, Nam Sài Gòn, Tây Bắc-Củ Chi, cảng Hiệp Phước. Tuy nhiên, đó mới chỉ là hình hài mà chưa có các tiêu chí, nội dung, bước đi rõ ràng…
Thành phố ngày càng đông dân nên cần hình thành các TP vệ tinh với việc phân khu chức năng rõ ràng.
Khi đã hình thành các TP vệ tinh với việc phân khu chức năng rõ ràng, TP cũ vẫn sẽ luôn là một điểm nhấn quan trọng. Một khi khu vực trung tâm đã hình thành phân khu chức năng rõ ràng (là trung tâm thương mại - dịch vụ) thì tất cả những giá trị khác cũng sẽ được nâng lên. Khi giá cả tại khu trung tâm quá đắt đỏ, những người không có khả năng chi trả sẽ chuyển tới sống ở những nơi mới phù hợp với nhu cầu cuộc sống của họ. TP trung tâm lúc đó sẽ trật tự, quy củ và văn minh hơn. Đó là quy luật sàng lọc rất tự nhiên, không nên hiểu là sự phân hóa giàu nghèo.
KTS LƯU TRỌNG HẢI, nguyên cán bộ Văn phòng Kiến trúc sư Trưởng TP (nay là Sở Quy hoạch - Kiến trúc)
Thách thức từ các nhóm lợi ích
Quá trình phát triển đô thị TP.HCM đến ngày hôm nay có rất nhiều điều đáng khen và chê nhưng nó thể hiện rõ cả lịch sử phát triển lúc nhanh, lúc chậm. Nếu xét từ năm 1975, có thể tạm chia thành hai giai đoạn phát triển lớn: 1975-1990 và 1990-2000. Giai đoạn đầu vì kinh tế không phát triển nên đô thị không thay đổi, dân cư không tập trung nên xây dựng rất ít. Giai đoạn hai là 10 năm TP chúng ta mày mò để phát triển đô thị.
Đến sau năm 2000, TP bắt đầu đi vào công cuộc phát triển mạnh, do đó đô thị bắt đầu có sự chuyển biến mạnh mẽ. Lúc đó, người ta mới bắt đầu nhắc đến phát triển đô thị. Từ năm 2005 đến 2010, chúng ta mới vỡ ra được thế nào là quy hoạch và quy hoạch đô thị là mọi mặt của đô thị chứ không chỉ đơn thuần là những bản vẽ. Đó là vấn đề đa ngành, đa lĩnh vực vì thế cần phải có sự nghiên cứu kỹ với sự tham gia của các chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực.
Điều đáng mừng là hiện nay, trình độ về công tác quản lý đô thị đã được nâng lên rất nhiều từ phía các bộ, ngành đến TP và các quận, huyện. Chúng ta đã tiếp cận dần với cách quản lý đô thị thực thụ, đã biết cái giá phải trả, biết thách thức như thế nào, biết xử lý ra sao… Khác với thời gian trước, thách thức lớn trong giai đoạn này là các nhóm lợi ích mạnh dần lên, do đó người làm quy hoạch phải thực sự bản lĩnh và tỉnh táo. Gần đây, quy hoạch TP đã có sự chuyển biến tốt nhờ có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài.
Tăng trưởng đô thị là tập trung người trong giai đoạn đầu nên quá trình thu hút người dân vào các TP lớn là điều tất nhiên. Thời điểm này chúng ta không nên nói đến chuyện nên hay không nên hình thành siêu đô thị mà phải coi TP.HCM là một siêu đô thị thực sự. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để TP phát triển bền vững. Theo đó, TP bắt buộc phải có metro, bắt buộc phải có xe buýt, phải cấm xe máy dần từng bước…
TP.HCM không chỉ là một siêu đô thị mà chắc chắn là một siêu đô thị lớn trong tương lai. Những người làm quy hoạch đã nghĩ đến chuyện quy hoạch các khu đô thị vệ tinh như Tây Bắc-Củ Chi, cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Khoa học quận 9, khu đô thị đối trọng, liền kề như Nam Sài Gòn, quận 9, Bình Chánh… Tuy nhiên, do chi phí để xây dựng quá lớn nên việc phát triển này phải có kế hoạch từ từ. Theo quy hoạch, đến năm 2025, TP dự kiến sẽ phủ kín các đô thị vệ tinh với việc phân chức năng rõ ràng. Do đó, vai trò của chính quyền TP rất quan trọng. Nhà nước phải biết vị trí của mình, khi phê duyệt quy hoạch rồi phải trải thảm đỏ mời gọi đầu tư, ban hành chính sách hỗ trợ và đãi ngộ nhà đầu tư, vận động giải thích cho người dân hiểu, đồng tình, ủng hộ…
TS-KTS NGUYỄN TRỌNG HÒA, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP
Theo Pháp luật TP