Xin cho biết, điều kiện quy định tuyển dụng và hình thức làm việc đối với người nước ngoài tại Việt Nam như thế nào?
Ngày 25/3/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2008/NĐ-CP quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo đó, Chính phủ quy định việc tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; trình tự, thủ tục cấp giấy phép lao động và việc sử dụng giấy phép lao động; trách nhiệm của người nước ngoài, người sử dụng lao động và các cơ quan nhà nước trong việc tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đối tượng áp dụng của Nghị định này là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam có sử dụng người nước ngoài theo các hình thức.
Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau: Đủ 18 tuổi trở lên; có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc; là nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia theo quy định; đối với người nước ngoài xin vào hành nghề y, dược tư nhân, trực tiếp khám, chữa bệnh tại Việt Nam hoặc làm việc trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề phải có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về hành nghề y, dược tư nhân hoặc về giáo dục, dạy nghề. Không có tiền án về tội vi phạm an ninh quốc gia; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài. Có giấy phép lao động do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Trình tự, thủ tục tuyển người nước ngoài làm việc tại Việt Nam:
Trước khi tuyển lao động ít nhất 30 (ba mươi) ngày, người sử dụng lao động phải thông báo nhu cầu tuyển lao động trên báo Trung ương hoặc địa phương (báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử) về các nội dung: số lượng người cần tuyển, công việc, trình độ chuyên môn, mức lương, điều kiện làm việc và một số yêu cầu cần thiết khác nếu người sử dụng lao động cần.
Trường hợp người sử dụng lao động tuyển người nước ngoài thông qua tổ chức giới thiệu việc làm thì không phải thông báo nhu cầu tuyển lao động trên báo Trung ương hoặc địa phương theo quy định nêu trên. Người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài vào Việt Nam làm việc; Người nước ngoài phải nghiên cứu đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam do người sử dụng lao động cung cấp, đồng thời phải chuẩn bị các giấy tờ cần thiết và thực hiện theo đúng quy định của Nghị định này.
Người nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam phải nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động cho người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động của người nước ngoài khi hồ sơ có đầy đủ các giấy tờ theo quy định tại Nghị định này và phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định này. Khi được cấp giấy phép lao động, người nước ngoài và người sử dụng lao động phải tiến hành giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam; người sử dụng lao động có trách nhiệm gửi bản sao hợp đồng lao động đã giao kết tới cơ quan đã cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài đó. Nội dung trong hợp đồng lao động không được trái với nội dung đã ghi trong giấy phép lao động đã được cấp.
Nghị định còn quy định rõ hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép lao động; gia hạn giấy phép lao động; cấp lại giấy phép lao động; các trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực hoặc vô hiệu. Người sử dụng lao động và cá nhân có hành vi vi phạm Bộ luật Lao động, Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Minh Hải / vnMedia