Ngày 12/8, Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai và Tổng Công ty Hàng không miền Nam đã tổ chức công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch cảng sân bay quốc tế Long Thành, nằm cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM) 43km.
Theo Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam (SAC) - đại diện chủ đầu tư, cảng hàng không quốc tế Long Thành là sân bay cấp 4F, được xây dựng trên diện tích 5.000 ha, có năng lực vận chuyển tối đa 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, tiếp nhận máy bay loại lớn A380-800 và tương đương.
Về quy hoạch khu sân bay, từ nay đến năm 2014 là giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thu xếp tài chính, khởi công vào năm 2015 và đến sau năm 2030 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án. Dự án được chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 sân bay sẽ được đầu tư với tổng kinh phí hơn 6.740 triệu USD và chính thức vận hành, khai thác vào năm 2020, công suất đạt 25 triệu hành khách/năm và ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 2 (đến năm 2030) cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ có ba đường cất hạ cánh, công suất 50 triệu khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 3 (sau năm 2030) sẽ gồm bốn đường cất hạ cánh song song và bốn nhà ga, tổng công suất 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm...
Các công trình giao thông kết nối với Long Thành, bao gồm: đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hệ thống đường vành đai 3, vành đai 4, quốc lộ 51 được đưa vào hoạt động sẽ tạo thuận lợi rất lớn nhằm tăng lực vận chuyển hành khách cũng như phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sân bay Long Thành kỳ vọng là cảng trung chuyển hàng không và là thủ phủ hàng không của cả nước cũng như trên quốc tế nhằm mục đích thu hút khách quá cảnh và các chuyến bay trung chuyển tại đây để thu lợi về kinh tế. Ngoài ra, tại đây sẽ là khu trung tâm dịch vụ hàng không trên quốc tế , với nhiều dịch vụ như cung ứng xăng dầu, bảo trì, nâng cấp, sửa chữa máy bay v.v... cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Do đó, khả năng đóng góp phát triển kinh tế của sân bay Long Thành là rất lớn. Theo nghiên cứu của hãng tư vấn Hansen Partnership của Úc, sân bay Long Thành sẽ đóng góp được 3-5% GDP cả nước.
Khi đi vào hoạt động, sân bay Long Thành sẽ đảm nhiệm 80% tổng lượng khách quốc tế, tính luôn cả khách quá cảnh trên các chuyến bay quốc tế và 20% khách quốc nội, trong khi đó sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chủ yếu phục vụ các chuyến bay quốc nội với việc đảm nhận 80% khách quốc nội và 20% khách quốc tế nhưng không đảm nhận các chuyến bay trung chuyển cũng như khách quá cảnh trên các chuyến bay quốc tế.
Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ đưa vào sử dụng 10 cảng hàng không quốc tế, trong đó cảng hàng không quốc tế Long Thành chiếm 10% diện tích đất của tất cả các cảng hàng không. Đến năm 2030, cảng này sẽ chiếm 20% quỹ đất quy hoạch phát triển toàn bộ mạng lưới cảng hàng không của cả nước .
Trước đó, dự án sân bay quốc tế Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3/2008. Tổng diện tích toàn sân bay khoảng 26.000 ha, trong đó phần diện tích sân bay là 5.000 ha, diện tích khu vực xung quanh là 21.000 ha.
Tác giả: Nguyên Anh
Theo LANDTODAY