Tương tự, tuyến số 3 dài 8,1 km đi qua các quận 1, 3, 4, 5, 7, 8, 10 và huyện Bình Chánh. Bắt đầu từ điểm giao với đường trên cao số 2 tại vị trí đường Thành Thái - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - rạch Ông Lớn và kết thúc tại đường Nguyễn Văn Linh. Cần 19.500 tỷ đồng để xây dựng.
Tuyến cuối cùng ngắn nhất (7,72 km) qua địa bàn các quận 12, Bình Thạnh và Gò Vấp với số vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Lộ trình sẽ bắt đầu từ nút giao quốc lộ 1A với đường Vườn Lài, vượt sông Vàm Thuật; tiếp tục đi theo hướng đường Phan Chu Trinh qua chung cư Mỹ Phước - cầu Bông - nhập vào đường Điện Biên Phủ và kết nối với đường trên cao số 1 tại khu vực rạch Thị Nghè.
Theo ông Cường, cả 4 tuyến này đều chưa có nhà đầu tư. Trong thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải thành phố sẽ điều chỉnh hướng kết nối giữa các tuyến đường trên cao với các trục giao thông cho phù hợp với thực tế. Phương án cụ thể sẽ được trình trong thời gian tới.
Trước ý kiến này, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín đã đồng ý với những chủ trương điều chỉnh của Sở Giao thông Vận tải thành phố. Sau đó, thành phố sẽ trình Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ xem xét. Về vốn đầu tư, thành phố đang nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi để kêu gọi nhà đầu tư bởi nếu đầu tư theo mô hình thu phí hoàn vốn, thì khả năng nguồn thu chỉ đạt khoảng 15 - 20%.
Trước mắt, UBND thành phố yêu cầu Sở Giao thông Vận tải và các sở ngành lưu tâm đến khả năng kết nối đường trên cao với các trục đường giao thông chính, khu dân cư nhằm phát huy tối đa năng lực dự án và góp phần quan trọng để giảm ùn tắc giao thông.
"Cần quy hoạch đồng bộ về lộ giới giữa đường trên cao và trên mặt đất, tính toán cụ thể phạm vi và khối lượng giải tỏa đối với từng địa bàn và tổng thể dự án, công bố công khai quy hoạch điều chỉnh, lấy ý kiến rộng rãi người dân trước khi thực hiện", ông Tín nói.
Theo VnExpress