Các dự án giải quyết ùn tắc đang rất chậm triển khai vì thủ tục, TP HCM kiến nghị Thủ tướng cho chỉ định thầu.
UBND TP HCM vừa kiến nghị Chính phủ cho phép chỉ định thầu theo hình thức PPP (đối tác công - tư) các dự án cấp bách nhằm khép kín đường Vành đai 2 (đoạn một, hai, bốn); các bãi đỗ xe cao tầng (tại Công viên 23/9, cư xá Lý Thường Kiệt, Công viên Gia Định, bến xe buýt quận 8, Chợ Lớn, Tân Phú...).
Động thái này nhằm thực hiện mong muốn nhanh chóng nâng cao hiệu quả khai thác hạ tầng giao thông hiện hữu, kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Vì theo đúng trình tự thủ tục, thành phố sẽ mất rất nhiều thời gian để khởi công các dự án này.
Đường Vành đai 2 TP HCM (đường viền đỏ trong cùng) sau hơn 10 năm vẫn chưa được khép kín
Trong khi đó, tiến độ các bãi đậu xe ngầm tại TP HCM vẫn đang rất ì ạch. Đến nay, mới có dự án Bãi đậu xe Công viên Lê Văn Tám có tổng số vốn đầu tư hơn 110 triệu USD do công ty Cổ phần Không gian ngầm (IUS) làm chủ đầu tư được động thổ vào năm 2010.
Công trình này được kỳ vọng là "phát súng" đầu tiên nhưng chưa biết khi nào mới hoàn thành vì bị đắp chiếu suốt bảy năm qua do vướng thủ tục. Vì vậy, các bãi đậu xe cao tầng được xem là giải pháp cấp bách để giải quyết tình trạng thiếu chỗ đậu xe tại TP HCM.
Đường Vành đai 2 dài khoảng 70 km, bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái (quận 9) nối vào nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức). Điểm cuối ra Quốc lộ 1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành tuyến đường vòng quanh TP HCM.
Công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra trục giao thông ở các cửa ngõ, hạn chế phương tiện vào trung tâm giảm ùn tắc cho thành phố. Tuy nhiên, hơn chục năm qua, tuyến đường vẫn chưa được khép kín.
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP HCM mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đánh giá, dù là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước nhưng hạ tầng giao thông của TP HCM chưa tốt, đường Vành đai 2 vẫn chưa được khép kín, Vành đai 3 thì chưa làm được đoạn nào.
Trong kiến nghị lần này, TP HCM cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh thời gian cất hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào giờ cao điểm và tăng cường số chuyến bay đêm, tránh tập trung cất hạ cánh vào giờ cao điểm ban ngày. Điều này là để giảm ùn tắc các tuyến đường xung quanh Tân Sơn Nhất.
Ngoài ra, Bộ Giao thông cũng được đề nghị điều chỉnh bổ sung quy hoạch giao thông thủy tại khu vực cảng Cát Lái, để phù hợp với quy hoạch đến năm 2020.
Lãnh đạo thành phố cũng kiến nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia điều chỉnh tiêu chí đánh giá tai nạn giao thông phù hợp và ban hành tiêu chí xác định ùn tắc giao thông cụ thể để thống nhất áp dụng trên cả nước.
Theo vnexpress.net