Nhằm đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế xã hội tầm cỡ thế giới vào năm 2050, các nhà quy hoạch đô thị, kiến trúc sư, nhà kinh tế học của Đức đã đưa ra một số kiến nghị.
Theo đó, mỗi năm cần phải chi 8,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để phát triển thành phố trở thành một đô thị có hệ thống giao thông đẳng cấp thế giới, trong đó 73% chi phí do khu vực thi công đảm trách. Số tiền này sẽ không chỉ được chi tiêu cho riêng TP.HCM mà còn vì lợi ích của cả miền Nam Việt Nam và cả quốc gia nói chung. Khoảng 44% kinh phí này sẽ dành riêng cho việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của cả đất nước, về đường thủy, đường bộ và đường sắt nội địa. Điều này cũng tạo điều kiện cho TP.HCM đáp ứng các nhu cầu của cả nước với vị thế là trung tâm vận chuyển và hậu cần lớn nhất của Việt Nam, đồng thời giúp cắt giảm chi phí hậu cần và vận chuyển ngày càng đắt đỏ như hiện nay.
“Nếu các danh mục đầu tư đề xuất được thực hiện, TP.HCM có thể sánh ngang với New York và Paris vào năm 2050 và sẽ trở thành một ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu thủ đô của thế kỷ 21. Đây không phải là một giấc mơ mà đó là một sự lựa chọn”- ông Conrad Cappell, Tổng lãnh sự CHLB Đức tại Việt Nam nói.
Được biết, “Thành phố Hồ Chí Minh thế kỷ 21” là một dự án đã được triển khai nhằm xây dựng một đề án phát triển với tầm nhìn bao quát và dài hạn, cùng một kế hoạch mang tính chiến lược trong việc quy hoạch, quản lý và xây dựng đô thị tại TP.HCM. Đặc biệt, dự án xác định việc cần thiết phải xem xét đến yếu tố duy trì nét độc đáo của thành phố, sự phong phú về đời sống văn hóa tinh thần, hiệu quả trong việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên… trong triển khai thực hiện. Dự án được tài trợ bởi Chính phủ Đức (thông qua GTZ ) và Siemens.
Theo Báo Công Thương