Hôm nay 3-12, Sở GTVT TPHCM và nhà đầu tư đã động thổ xây dựng 2,7 km đường vành đai 2, đoạn nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa trên Quốc lộ 1A thuộc Quận Thủ Đức với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.135 tỉ đồng." />
Hôm nay 3-12, Sở GTVT TPHCM và nhà đầu tư đã động thổ xây dựng 2,7 km đường vành đai 2, đoạn nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa trên Quốc lộ 1A thuộc Quận Thủ Đức với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.135 tỉ đồng.
Đường vành đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, có chiều dài 2,7 km. Dự án được phân kỳ đầu tư làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, sẽ xây dựng mới hai nhánh đường song song hai bên tuyến chính, bề rộng mặt đường mỗi nhánh 10,5 mét (ba làn xe), đồng thời xây mới ba cầu gồm Rạch Lùng, Rạch Ông Việt và Rạch Gò Cát, với chiều dài mỗi cầu 79,67 mét…
Giai đoạn 2, sẽ xây dựng phần đường chính (8 làn xe) ở giữa với chiều rộng 67 mét.
Theo phương án thiết kế, dự án đi qua địa bàn các phường Linh Đông, Tam Phú, Tam Bình (Quận Thủ Đức), điểm đầu nối với dự án đường nối Bình Thái - Gò Dưa tại vị trí tiếp giáp với đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng); điểm cuối nối với dự án cầu vượt nút giao Gò Dưa.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.135 tỉ đồng, do liên danh Công ty cổ phần Đầu tư HNS Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú INVEST, và Công ty Cổ phần Đầu tư tư vấn xây dựng Bắc Ái xây dựng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành sau hai năm xây dựng.
Tại lễ động thổ, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cho biết, tuyến đường này là trục giao thông huyết mạch tạo tiền đề phát triển kinh tế của thành phố. Thời gian qua, ngân sách của thành phố còn khó khăn nên phải mời gọi đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau.
Ông Tín nhấn mạnh từ nay đến lúc chính thức khởi công dự án và đến khi hoàn thành còn rất nhiều việc phải làm, do vậy các cơ quan của thành phố cần rút gọn thủ tục hành chính để đẩy nhanh dự án. Tiến độ dự án phải được tính từ lúc động thổ đến lúc hoàn thành là hai năm chứ không thể tính từ lúc khởi công.
Vị phó chủ tịch của TPHCM cũng lưu ý chính quyền Quận Thủ Đức thực hiện đúng quy định về áp giá đền bù giải phóng mặt bằng đối với những hộ dân bị giải tỏa. “Thời gian qua nhiều dự án bị chậm là do nhiều trường hợp khiếu nại kéo dài mà nguyên nhân là do lỗi của cơ quan quản lý nhà nước áp giá đền bù chưa đúng”, ông Tín nói.
Theo quy hoạch, đường vành đai 2 có tổng chiều dài khoảng 70 km bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh đi qua cầu Phú Mỹ nối vào đường vành đai phía đông ra đến ngã tư Bình Thái (Xa lộ Hà Nội), sau đó băng thẳng đến ngã tư Gò Dưa, nối vào Quốc lộ 1, đi qua nút giao Tân Tạo, theo đường Hồ Học Lãm và Ba Tơ để khép vào đường Nguyễn Văn Linh tạo thành một vòng vành đai bao bọc quanh khu vực nội đô thành phố.
Tuy nhiên, hiện nay một số đoạn của đường vành đai 2 chưa được xây dựng nên tuyến đường này vẫn bị khuyết một số đoạn. Sau khi hoàn thành một số đoạn còn lại, tuyến đường này sẽ giúp tăng năng lực giao thông của TPHCM và giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại các khu vực trung tâm thành phố.
Sau này khi đường vành đai 2 được khép kín toàn bộ, xe vận tải hàng hóa ra vào các cảng, đi từ các tỉnh miền Đông sang miền Tây không còn phải chạy xuyên qua khu vực nội thành.
Nguồn TBKTSG Online