Những ngày cuối năm 2012 cũng là thời gian các bộ, ngành liên quan góp ý kiến cuối cùng cho dự án sân bay Phan Thiết tại xã Thiện Nghiệp. Sau khi hoàn tất các khâu của dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm các động thái kêu gọi chủ đầu tư vào cuộc cho khởi công xây dựng...
Những dự án hạ tầng kỹ thuật
Theo quan sát của nhiều người, có vài nhà đầu tư đã sẵn sàng cho việc tiếp cận dự án sân bay Phan Thiết. Bên cạnh đó, dự án Cảng Kê Gà đã khởi động các bước đầu tiên, lựa chọn xong nhà đầu tư cùng phương án triển khai. Chưa hết, dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, tuyến đường bộ quyết định đường đi từ TP.HCM ra TP. Phan Thiết chỉ còn 1,5 - 2 giờ đang giai đoạn triển khai các bước đầu tiên. Những dự án thuộc hạ tầng kỹ thuật quyết định này đang thu hút sự quan tâm không chỉ của chính quyền, người dân Bình Thuận mà còn của các nhà đầu tư đang “nuôi” ý định triển khai dự án khác tại một số nơi trong tỉnh. Những nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp tại tỉnh cho rằng, các nhà đầu tư thứ cấp quyết định vào tỉnh đều cân nhắc nhiều thứ, song cân nhắc đầu tiên vẫn là chuyện đi đứng, vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi hay không? Chính vì vậy, họ theo dõi tiến độ các dự án hạ tầng kỹ thuật trên để tính toán các kế hoạch.
Trong khi đó, chính quyền cũng đã phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2013 - 2015. Nếu so với các chặng trước thì chặng này dự án kêu gọi vốn nhiều hơn với 41 dự án thuộc nhiều lĩnh vực. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau khi nhận được dự án của các sở, ngành, địa phương gửi về, sở sẽ căn cứ vào quy hoạch, nhu cầu thu hút đầu tư của giai đoạn để lựa chọn dự án một lần nữa.
Tìm nơi phù hợp
Nếu quan sát ở góc nhìn thuận lợi về đường đi, cảng biển thì 2 KCN Hàm Kiệm chiếm ưu thế hơn cả. Có lẽ thế, trong 41 dựa án kêu gọi trên, có quá nửa dự án xác định địa điểm đầu tư tại 2 KCN này. Đây cũng là nơi xác định các dự án thể hiện nhu cầu đầu tư của một giai đoạn, khác hẳn thời gian trước. Để tăng giá trị của trái thanh long, vốn đã hình thành một vùng nguyên liệu lớn và nhiều nông sản khác, rất cần có các nhà máy nâng chất lượng sản phẩm, nhà máy chế biến nâng giá trị các loại nông sản. Cụ thể, nhà máy xử lý nhiệt trái thanh long (3 ha) có công suất 1.000 tấn/năm với tổng vốn dự kiến 10 triệu USD có thể liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài; nhà máy chế biến, đóng hộp nước giải khát, trái cây có công suất 1.000 tấn sản phẩm/ năm hoặc tùy chọn với tổng vốn dự kiến 8 - 10 triệu USD…
Những dự án trên còn được xác định địa điểm đầu tư tại các KCN, cụm công nghiệp khác trong tỉnh, nhưng theo nhận định của các nhà đầu tư thì những dự án kiểu này phù hợp tại 2 KCN Hàm Kiệm ở Hàm Thuận Nam, vì nằm giữa vùng nguyên liệu... Trong khi đó, những dự án khác thuộc ngành công nghiệp phụ trợ như: khí cụ, điện, lắp ráp ô tô, giày da… được nhận định sẽ chịu thu hút đến các KCN khác trong tỉnh như: Tân Đức, Sơn Mỹ, Tuy Phong, hay các cụm công nghiệp, nơi có lực lượng lao động nông nhàn nhiều. Còn tại Hàm Thuận Nam, hiện lao động tại đây đi làm cho các vườn, trang trại trồng thanh long; cơ sở, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long được trả trên dưới 200.000 đồng/ngày nên chủ đầu tư các nhà máy trên khó tìm kiếm nguồn lao động tại chỗ, nhất là khi khép họ vào tác phong công nghiệp.
“Khi nhấn mạnh đến các yếu tố hạ tầng thúc đẩy sự xuất hiện các dự án công nghiệp, người ta hay nghĩ đến TP.HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương… Song trên thực tế, các nhà đầu tư đang tìm đến những tỉnh kế cận còn nhiều tiềm năng như Bình Thuận…”.
Theo baobinhthuan.com.vn