Chiều 20/11, hàng ngàn người dân TP HCM đã có mặt tại buổi lễ thông xe hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á và toàn bộ Đại lộ Đông Tây. Chủ tịch nước đến dự, hòa chung niềm vui trong sự kiện này.
Đến dự lễ có sự tham dự của nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo phía Nhật Bản, lãnh sự quán nước ngoài tại TP HCM và khoảng 500 khách mời, trong đó có nhiều hộ dân từng bị giải tỏa trong dự án này.
"Việc hoàn thành tuyến đường này góp phần phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm trở thành trung tâm tài chính - thương mại - dịch vụ lớn của khu vực. Công trình này cũng thể hiện ý chí, tình hữu nghị trong quan hệ giữa hai nước Việt - Nhật", Chủ tịch thành phố Lê Hoàng Quân khẳng định.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải cắt băng khánh thành hầm Thủ Thiêm. Ảnh: H.C. |
Những chiếc xe đầu tiên chạy vào hầm Thủ Thiêm từ phía quận 2 sang quận 1. Ảnh: H.C. |
Cửa hầm Thủ Thiêm phía quận 1. Ảnh: Hữu Công. |
Sau lễ thông xe, người dân sẽ được đi bộ tham quan qua hầm Thủ Thiêm đến 20h tối. Bắt đầu từ ngày 21/11 các phương tiện chính thức được chạy qua hầm.
Quá trình thi công hầm vượt sông Sài Gòn bắt đầu từ tháng 2/2005 với việc khởi công xây dựng 2 hầm dẫn. Mẻ bê tông đầu tiên đúc 4 đốt hầm được đổ vào tháng 9/2007 tại bể đúc ở Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Ngày 6/1/2010, công tác bơm nước vào khu vực bể đúc để kiểm tra cân chỉnh các đốt hầm. Từ tháng 3/2010 đến tháng 6/2010, bốn đốt hầm dìm đã lần lượt được lai dắt từ bể đúc ở Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) vượt qua 22 km đường sông về đến khu vực Thủ Thiêm, lắp đặt nối kết thành công an toàn tuyệt đối với hầm dẫn phía Thủ Thiêm (quận 2). Ngày 4/8/2010 đã đổ mẻ bê tông đầu tiên thi công đốt hợp long, nối kết đốt hầm số 4 với hầm dẫn phía Khánh Hội (quận 1) và mẻ bê tông cuối cùng của đốt hợp long đã được thực hiện vào ngày 4/9/2010. Ngày 21/9/2010 hợp long thành công hầm Thủ Thiêm. Từ 6h sáng ngày 21/11/2011, hầm Thủ Thiêm chính thức mở cửa cho người dân lưu thông. |
Hữu Công
Theo vnexpress.net