Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 ngành Xây dựng vừa tổ chức vào sáng nay (06/01), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định ngành xây dựng sẽ phải kiểm soát chặt chẽ thị trường BĐS.
Thành tích nổi bật năm 2011
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, trong năm 2011, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, ngành Xây dựng đã đạt được những kết quả tích cực trên các mặt công tác. Ngành đã tích cực xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đồng bộ, nâng cao chất lượng ban hành, phù hợp với thực tiễn, tạo ra những đột phá trong việc huy động các nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của ngành, đặc biệt là lĩnh vực phát triển đô thị, phát triển nhà ở, hoạt động kinh doanh bất động sản.
Cụ thể, tính đến nay cả nước có khoảng trên 750 đô thị, gồm 2 đô thị đặc biệt (Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh); tỷ lệ đô thị hóa ước khoảng 31%. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị trung bình đạt từ 12 – 15%, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mặt bằng chung của cả nước. Tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở đạt khoảng 80 triệu m2. Diện tích bình quân về nhà ở ước đến cuối năm 2011 đạt khoảng 18,3 m2 sàn/người, trong đó, tại đô thị đạt 21,3 sàn/người, tại nông thôn là 16,8 sàn/người.
Về chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167 của Chính phủ: Ước đến hết năm 2011, các địa phương đã hoàn thành hỗ trợ cho khoảng 470.000 hộ, đạt tỷ lệ dự kiến là 95% (riêng năm 2011 hoàn thành hỗ trợ cho khoảng 160.000 hộ). Đã có 19 tỉnh hoàn thành Chương trình theo Đề án đã phê duyệt ban đầu. Về chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên: Đã có 151 khối nhà được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng 125.000 chỗ ở. Dự kiến đến tháng 6 và cuối năm 2012 sẽ có 100 khối nhà được hoàn thành đưa vào sử dụng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 205.000 sinh viên.
Về chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị: Theo số liệu báo cáo của địa phương trên cả nước, đến nay đã có 42 dự án khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng, tổng diện tích sàn là 907.000m2 đáp ứng cho khoảng 73.200 người thu nhập thấp. Hiện nay đã có khoảng gần 2.000 căn hộ hoàn thành đáp ứng cho khoảng 8.000 người.
Trong năm 2011, Bộ cũng đã chỉ đạo xử lý một số vấn đề đang được dư luận quan tâm như: Tổ chức rà soát, kiểm tra việc thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn về kháng chấn; kiểm tra về kháng chấn một số dự án, công trình xây dựng cao tầng tại một số địa phương và đề xuất các giải pháp chủ động phòng chống động đất cho các công trình xây dựng. Bên cạnh đó, Bộ đã tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về thể chế và cải cách tối đa các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư xây dựng; Tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để công bố công khai TTHC liên quan đến các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ; tiếp tục rà soát để bổ sung các TTHC mới được ban hành, các TTHC thay thế, sửa chữa, bổ sung, loại bỏ các thủ tục đã hết hiệu lực; triển khai cập nhật và duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo đúng quy định.
Trong năm 2011, Bộ Xây dựng cũng đã hoàn thành, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nêu rõ các quan điểm chỉ đạo, chiến lược hành động và các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và các giải pháp thực hiện trong từng giai đoạn.
Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước cũng đã tự kiểm tra, rà soát lại các danh mục, hiệu quả các dự án đầu tư của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên, sắp xếp lại các dự án đầu tư theo hướng tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính. Kế hoạch đầu tư năm 2011 của các doanh nghiệp thuộc Bộ sau khi rà soát điều chỉnh giảm hơn 14 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đăng ký từ đầu năm, chủ yếu tập trung vào các dự án đang chuẩn bị đầu tư, các dự án dự kiến khởi công mới.
Năm 2011, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, giá trị thực hiện đầu tư giảm (bằng 82,3% so với năm 2010) nhưng tổng giá trị sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ vẫn tăng 13,4% so với năm 2010. Ngành Xây dựng đã vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đề ra trong các lĩnh vực của ngành.
Nhiệm vụ triển khai năm 2012
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, bước vào năm 2012, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro; kinh tế-xã hội nước ta có những thuận lợi và cơ hội nhất định, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, ngành Xây dựng xác định các nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp chủ yếu cần triển khai trong năm 2012 như: Xây dựng và tổ chức thực hiện các Chương trình, kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/2011/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2012 và Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống luật pháp về đô thị, nhà ở, kinh doanh BĐS và quản lý hoạt động đầu tư xây dựng theo hướng tăng cường vai trò, trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành TW trong việc quản lý thống nhất về phát triển đô thị, phát triển nhà ở và hoạt động kinh doanh BĐS; Tổ chức thực hiện Điều chỉnh Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2010-2015; Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009-2020 và các Định hướng phát triển nhà ở, hạ tầng đô thị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thực hiện rà soát quy hoạch xây dựng vùng, vùng tỉnh và quy hoạch đô thị; tăng cường công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch đô thị; chỉ đạo các địa phương nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung ở các đô thị, đẩy mạnh công tác lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị, nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch đô thị và nông thôn, kiểm soát chặt chẽ công tác phát triển theo quy hoạch.
Tập trung nghiên cứu Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, vùng Tây Nguyên. Đồng thời tập trung quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung nghiên cứu Đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở, Đề án phát triển nhà ở xã hội phục vụ các nhóm đối tượng có tu nhập thấp về nhà ở, Đề án về nhà ở cho thuê, Đề án tái định cư...
Năm 2012 phấn đấu diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 19,4m2 sàn/người (tăng 1,1m2 so với năm 2011), trong đó tại đô thị đạt khoảng 22,6m2 sàn/người và tại nông thôn đạt 17,4m2 sàn/người. Phấn đấu xây dựng tối thiểu 1,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội tại khu vực đô thị phục vụ nhu cầu nhà ở của học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo, công nhân khu công nghiệp, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và người có thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở. Hoàn thành hỗ trợ cho khoảng 66.000 hộ nghèo khó khăn về nhà ở tại khu vực nông thôn.
Bộ trưởng cũng khẳng định, năm 2012 sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, đặc biệt là tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội, Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc theo tiến độ đề ra.
Hội nghị thu hút hàng trăm lãnh đạo các Sở, ban ngành địa phương và doanh nghiệp
Bộ trưởng yêu cầu đối với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; thực hiện các giải pháp để tiết giảm 5-10% chi phí quản lý, tập trung giảm giá thành sản phẩm. Khẩn trương lập phương án, triển khai tái cơ cấu từng doanh nghiệp, trong đó tập trung vào cơ cấu lại tổ chức, đổi mới quản trị donah nghiệp, chiến lược kinh donah theo tư duy hiện đại, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh theo nguyên lý thị trường.
Năm 2012, các doanh nghiệp thuộc Bộ phấn đấu đạt tổng giá trị SXKD: 173.196,5 tỷ, tăng 8% so với năm 2011; tổng giá trị doanh thu 146.018 tỷ, tăng 9% so với năm 2011; tổng lợi nhuận 4.934 tỷ, tăng 10,4% so với năm 2011; tổng nộp NSNN 7.236 tỷ, tăng 3,7% so với năm 2011; tổng giá trị đầu tư 31.073 tỷ, tăng 4,8% so với thực hiện năm 2011; diện tích nhà ở 2,4 triệu m2. Đối với các đơn vị sự nghiệp: Tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi hình thức hoạt động, cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp theo hình thức đơn vị sự nghiệp tự trang trải kinh phí. Đối với các đơn vị sự nghiệp có thu cần tăng cường tính tự chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm hạch toán kinh tế, lấy thu bù chi, có tích lũy để phát triển.
Đẩy mạnh công tác xây dựng nhà xã hội
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung, những kết quả khá đồng đều và toàn diện mà ngành Xây dựng đạt được trong năm qua là đóng góp thiết thực vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước.
Về nhiệm vụ ngành Xây dựng đặt ra trong năm 2012, Thủ tướng lưu ý Bộ Xây dựng cần đặc biệt quan tâm tới hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý và xây dựng quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2012 và những năm tới. Toàn ngành cần tập trung rà soát lại thể chế, luật pháp về quy hoạch; bổ sung, cập nhật lại quy hoạch; xây dựng các quy hoạch chi tiết cho phù hợp với các địa phương; các thành phố, đô thị. Cùng với đó, cần quan tâm tới công tác quản lý nhà nước về chất lượng, hiệu quả và sự an toàn của các công trình xây dựng; đảm bảo cho các công trình có tính mỹ quan, an toàn, bền vững, chất lượng, hiệu quả…
Ngành Xây dựng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng khó khăn, người nghèo, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, nhà nước sẽ hỗ trợ trong xây dựng nhà ở xã hội. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản; nghiên cứu, xây dựng chiến lược về phát triển thị trường bất động sản của Việt Nam; quan tâm tới phát triển doanh nghiệp trong ngành xây dựng; đảm bảo cho các doanh nghiệp của ngành ngày càng thích ứng tốt hơn trong sự cạnh tranh quyết liệt của thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng; đẩy mạnh cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng cần hết sức quan tâm tới công tác thanh tra, kiểm tra; làm tốt hơn chức năng chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ cũng như công tác đào tạo cán bộ hoạt động trong ngành.
(Theo DĐDN)