Chủ trì phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 21/2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Tư pháp về lộ trình thực thi phương án đơn giản hóa, bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng hợp đồng về nhà ở và quyền sử dụng đất theo quy định tại Nghị quyết 25 ban hành tháng 6/2010 của Chính phủ.
Theo đó, 5 loại hợp đồng sẽ được bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng gồm: 1- cho thuê quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; 2- chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; 3- cho mượn, cho ở nhờ nhà ở; 4- cho thuê nhà ở; 5- ủy quyền quản lý nhà ở.
5 loại hợp đồng nhà đất sẽ không còn phải bắt buộc công chứng
Mặt khác, Thủ tướng kết luận, chưa thực thi phương án bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng đối với 9 loại hợp đồng khác: 1- thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; 2- góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; 3- chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; 4- tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; 5- mua bán nhà ở; 6- đổi nhà ở; 7- tặng cho nhà ở; 8- thế chấp nhà ở; 9- góp vốn bằng nhà ở.
|
Tuy nhiên, ngoài 5 loại không phải công chứng thì những giấy tờ, hợp đồng nhà đất khác vẫn phải công chứng. |
Thủ tướng giao Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất và sở hữu nhà ở theo hướng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức hành nghề công chứng và trách nhiệm của cơ quan đăng ký quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi và giảm thiểu chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục liên quan đến công chứng, chứng thực và đăng ký quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất.
Trong quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự, sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, Luật Nhà ở sẽ tiếp tục nghiên cứu theo hướng bỏ quy định yêu cầu bắt buộc công chứng hoặc chứng thực các loại hợp đồng về nhà ở và quyền sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, thủ tục rõ ràng, thuận tiện, hướng tới hệ thống đủ năng lực và ưu tiên xã hội hóa.
Theo Dân Trí