Theo TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh (Đại học Ngân hàng TPHCM), phần phát biểu và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội chiều 21/11 cho thấy được bức tranh toàn cảnh rất rõ nét, cho ta biết những chỉ đạo của Chính phủ rất đúng hướng, với những số liệu rất thuyết phục.
TS. Lê Thẩm Dương chia sẻ: “Bao nhiêu dư luận, và chính mình cũng mơ hồ, mặc dù các số liệu tôi có nhưng vẫn không hình dung ra Chính phủ đã làm được như vậy. Với những số liệu ngắn gọn, rất cụ thể, đã làm cân bằng lại thông tin và bản thân tôi thấy điều đó rất cần cho những bài giảng sắp tới của mình...”.
Theo TS. Lê Thẩm Dương, ấn tượng nhất trong điều hành của Chính phủ năm 2013 là quan điểm lấy ổn định kinh tế vĩ mô, lấy chất lượng tăng trưởng, kiểm soát lạm phát làm đầu để tạo đà phát triển bền vững hơn cho những năm sau. Việc lấy phát triển cân đối, lấy chất lượng làm đầu đã tránh được việc lặp lại tình trạng như những năm trước, đó là cứ tập trung cho tăng trưởng GDP lại dẫn đến đẩy lạm phát tăng và năm sau lại đi chữa lạm phát, chữa lạm phát được thì GDP lại giảm và rồi lại tiếp tục đi chữa GDP.
Về vấn đề phát hành trái phiếu như trong báo cáo của Thủ tướng, theo TS. Lê Thẩm Dương, việc phát hành trái phiếu của Chính phủ đã khiến nhiều người băn khoăn vì cho rằng đó là tác nhân gây lạm phát, tuy nhiên, cách phát hành trái phiếu của Việt Nam rất “chắc”. Trong điều kiện mình buộc phải trả nợ thì đây là nguồn trả nợ ổn định hơn cả. Bên cạch đó, việc phát hành trái phiếu có lộ trình như hiện nay và nợ công vẫn ở mức dưới trần 65% thì phát hành trái phiếu không đáng ngại việc mất khả năng kiểm soát.
Đối với việc giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng, nếu năm vừa qua, chúng ta không giải quyết được, cộng với nợ xấu phát sinh thì sẽ là rất khó khăn. Kinh nghiệm của các nước cho thấy việc xử lý nợ xấu là vô cùng khó, tuy nhiên, đến giờ này, mình đã xử lý rất tốt, con số báo cáo của Thủ tướng về số nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro đạt hơn 100.000 tỷ đồng và khoảng 35.000 tỷ đồng thông qua VAMC đã nói lên tất cả.
“Không phải như người ta nói, chuyển sang đó rồi để đó, mà giả sử để đó cũng là tích cực rồi, mà có phải để đó đâu. Sang năm mình xử lý thêm hơn 100.000 tỷ đồng nữa, đưa nợ xấu về dưới 3% thì tác dụng sẽ rất lớn, khơi thông được huyết mạch của nền kinh tế, ngân hàng dám cho vay và người vay đủ điều kiện vay. Đồng thời, với biện pháp xử lý nợ xấu bằng những quyền của VAMC thì nợ xấu bắt đầu thấy cửa ra”, TS. Lê Thẩm Dương nhận xét.
Theo TS. Lê Thẩm Dương, phát biểu của Thủ tướng làm cho người đọc thích thú vì số liệu rõ ràng. Ví dụ như vấn đề đầu tư công đã được Thủ tướng khẳng định sẽ không đầu tư dàn trải, chỉ đầu tư vào lĩnh vực trọng điểm có vai trò lan tỏa và đặc biệt là gắn trách nhiệm với người ra quyết định đầu tư.
Còn về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, có quan điểm đánh giá thực hiện còn chậm, tuy nhiên vấn đề tối quan trọng làm tiền đề cho quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thì chúng ta đã làm được rồi, đó là đưa ra những văn bản phân cấp, phân quyền, tạo môi trường pháp lý quản lý doanh nghiệp Nhà nước sau này. Ngoài ra, kết quả bước đầu của tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước với 80% doanh nghiệp có lãi, đóng góp khoảng 30% GDP, 30% đóng góp vào ngân sách và vốn chủ sở hữu tăng 26% đã nói lên công sức, sự quyết liệt và hiệu quả điều hành.
Đặc biệt, trong điều hành năm 2013, một vấn đề nữa ở tầm vĩ mô được Chính phủ thực hiện, đem lại hiệu quả lâu dài, đó là việc đẩy mạnh công cụ thị trường vào điều hành nền kinh tế, nhất là trong cải cách điều hành giá cả. Điều này sẽ tạo điều kiện bình đẳng, phát huy hết thế mạnh cho các doanh nghiệp.
Cũng theo TS. Lê Thẩm Dương, qua bài phát biểu, chúng ta thấy được bức tranh toàn cảnh rất rõ nét, cho ta biết những chỉ đạo của Chính phủ rất đúng hướng, với những số liệu rất thuyết phục. Cùng với đó, những khó khăn hiện nay cũng đã được Thủ tướng chỉ ra, như nợ xấu vẫn còn, tái cấu trúc chưa hoàn thành, vấn đề đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn... Tuy nhiên đây là những khó khăn đã có hướng gỡ, vấn đề ở đây chỉ là tổ chức thực hiện.
TS. Võ Trí Hảo, Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, nhận xét báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng đã cho thấy, năm 2013, Chính phủ đã rất nỗ lực trong khắc phục hậu quả của khủng hoảng kinh tế, của những vấn đề còn tồn tại như trong báo cáo đã nêu.
Thứ nhất, Chính phủ đã xác định ưu tiên kiểm soát lạm phát thay vì chạy theo GDP như giai đoạn trước là rất cần thiết để ổn định. Vì người nghèo Việt Nam sau gần 5 năm trải qua khủng hoảng kinh tế, đã sắp hết ngưỡng chịu đựng. Nếu ưu tiên GDP, thì ít nhiều sẽ tạo thêm việc làm cho họ, nhưng lợi nhuận mà người nghèo được hưởng từ việc tăng GDP không theo kịp tốc độ lạm phát. Điều này cũng cho thấy, Chính phủ cần thận trọng trong sử dụng 170.000 tỷ đồng trái phiếu sắp tới.
Thứ hai, tốc độ xử lý nợ xấu như báo cáo nêu là phù hợp. Vì nếu Nhà nước hăng hái sử dụng tiền thuế của dân để giải cứu ngân hàng, thì lần sau họ sẽ ỷ lại và người dân sẽ than “mang tiền thuế của dân đi cứu nhà giàu”. Nhưng cũng không thể để cho hệ thống ngân hàng sụp đổ được, vì ảnh hưởng đến an ninh kinh tế đất nước. Việc xử lý, “làm chậm pha” đến nay là đủ.
Đến giai đoạn này, khi nguy cơ sụp đổ toàn hệ thống đã qua rồi, thì cần phải mạnh mẽ hơn với các ngân hàng yếu kém, nên sẵn sàng cho phá sản, thanh lọc những mầm bệnh gây bất ổn kinh tế. Nên tận dụng cơ hội này để thanh lọc, giữ lại những doanh nghiệp đã chứng tỏ được sức đề kháng, sức sáng tạo, sức cạnh tranh của mình. “Những doanh nghiệp hoạt động vật vờ, cản đường người khác thì duy trì nhiều không phải là tốt; ít mà mạnh, ít mà hiệu quả thì có khi ít lại tốt hơn nhiều. Nếu Chính phủ phát tín hiệu rõ ràng: Sẵn sàng cho phá sản theo quy luật thị trường, thì các doanh nghiệp yếu kém thay vì chờ đợi giải cứu, sẽ sớm đi tìm cơ hội khác hoặc bán mình cho các ông chủ có kỹ năng quản trị tốt hơn, hiệu quả hơn”, TS. Võ Trí Hảo nhận đinh.
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh, bày tỏ đồng tình với bài phát biểu và báo cáo của Thủ tướng về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian qua. Đặc biệt, trong phần trả lời chất vấn, Thủ tướng khẳng định phấn đấu đến cuối năm cố gắng thúc đẩy ban hành 19 văn bản còn nợ đọng.
Là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, ông Trung mong rằng các chính sách và hướng dẫn chi tiết sẽ sớm được thực thi, điều chỉnh những vấn đề còn tồn đọng sao cho phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế hiện nay. Đơn cử như việc áp giá thị trường vào việc tính tiền sử dụng đất trong Nghị định 71 đến nay đã không còn phù hợp. Điều này dẫn tới việc nhiều người dân "khất nợ", làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước, còn đối với doanh nghiệp thì làm tăng giá thành dẫn đến khó khăn trong việc "giải quyết đầu ra".
"Tuy nhiên, tôi cũng như các doanh nghiệp khác trong ngành bất động sản luôn có niềm tin vào những chính sách mà Thủ tướng đề ra sẽ nhanh chóng góp phần tạo môi trường kinh doanh tốt và đầy hứa hẹn trong thời gian sắp tới”, ông Trung nói.
Theo chinhphu.vn