Đây là những phát biểu của bà Ung Thị Xuân Hương, phó Giám đốc Sở Tư pháp Tp.HCM. Theo đó, Quyết định 54/2007 của UBND Tp.HCM khiến hàng trăm nhà đất không được cấp giấy chứng nhận.
Nghị định 88/2009 không đòi biên bản nghiệm thu hạ tầng nhưng Quyết định 54/2007 của UBND Tp.HCM lại đòi khiến hàng trăm nhà đất không được cấp giấy chứng nhận.
Cuối tháng 4/2011, khi làm việc với HĐND, UBND Tp.HCM và các sở, ban, ngành về công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn TP, ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP, lưu ý tình trạng nhiều cử tri quận 2 “bị ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi” vì chưa được cấp giấy chứng nhận. Cớ sự phát sinh do UBND quận căn cứ vào Quyết định 54/2007 của UBND TP để không cấp giấy cho nhà đất ở các dự án mà chủ đầu tư chưa kết nối xong hạ tầng.
Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết: Theo Quyết định 54 (hướng dẫn thực hiện Nghị định 90/2006), một trong những giấy tờ tạo lập nhà đất phải có mới được cấp giấy chứng nhận là “biên bản nghiệm thu hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bàn giao cho UBND quận, huyện hoặc Sở Giao thông vận tải quản lý để đưa vào sử dụng”. Trong quá trình triển khai, TP cũng đã nhận thấy một số điểm bất hợp lý và đang xem xét sửa Quyết định 54 thì Nghị định 88/2009 ra đời. Nghị định này không có quy định về điều kiện hạ tầng.
Đã gửi văn bản khẩn
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đã đề nghị TP bãi bỏ Quyết định 54 và tại cuộc họp, bà cũng đồng ý. Vậy Sở đã tham mưu việc này cho UBND TP hay chưa?
Ngày 9/5,chúng tôi đã gửi văn bản khẩn đề nghị UBND TP hủy bỏ một số điều trong Quyết định 54. Bên cạnh việc muốn người dân sớm được xét cấp giấy chứng nhận nhà đất, chúng tôi còn nhằm mục đích thực hiện yêu cầu xử lý của Bộ Tư pháp, Đoàn đại biểu Quốc hội TP dựa trên kết quả kiểm tra, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nội dung đề xuất cụ thể của Sở là gì, thưa bà?
Chúng tôi kiến nghị TP hủy bỏ quy định về nhiều loại biên bản. Ngoài biên bản mà tôi nêu ở phần trên còn có biên bản nghiệm thu công trình nhà ở hoàn thành để đưa vào sử dụng; biên bản nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng được quy định tại các điều 10, 11, 12 và Điều 14 của Quyết định 54.
Từ chỗ phải có các loại biên bản này mà nhiều năm nay, người dân mua đất xây nhà trong dự án hay mua căn hộ chung cư đã không được xét cấp chủ quyền khi chủ đầu tư chưa hoàn thiện một trong những hạng mục hạ tầng như: đường giao thông, trường mầm non, hệ thống thoát nước, công viên cây xanh… Nếu kiến nghị của Sở được chấp thuận thì có rất nhiều hộ dân sẽ thoát khỏi cảnh có nhà đất nhiều năm mà không có chủ quyền.
Tiếp tục thi công các hạng mục còn lại
Lâu nay nhiều quận, huyện vẫn lo ngại nếu cấp giấy chứng nhận cho dân thì các chủ đầu tư sẽ không thi công những hạng mục còn bỏ dở khiến TP sẽ có thêm nhiều khu nhà ở “lôm côm” về hạ tầng. Bà chia sẻ băn khoăn này như thế nào?
Có hai vấn đề khác nhau cần được phân biệt rõ. Việc bãi bỏ những quy định không còn phù hợp để cấp chủ quyền cho dân không đồng nghĩa với việc các hạng mục dở dang ở các dự án hay khu chung cư sẽ không được thực hiện tiếp. Các cơ quan nhà nước vẫn phải tiếp tục tăng cường công tác quản lý, yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện những dự án chưa hoàn chỉnh. Khi tiến hành cấp giấy cho dân, các quận, huyện vẫn có thể áp dụng Nghị định 23 ngày 27/2/2009 củaChính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản...) để xử phạt những chủ đầu tư thiếu trách nhiệm hay chây ì, không chịu thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước và với khách hàng.
Được biết, các quận, huyện đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng nhưng ít khi họ nhận được những phản hồi tích cực. Sở Tư pháp có đề xuất gì thêm cho việc thi công công trình của các chủ đầu tư?
Theo tôi, các quận, huyện cần quy định rõ thời gian thi công, chi tiết hạng mục nào làm trước, hạng mục nào làm sau. Rút kinh nghiệm ở những dự án cũ, tới đây các quận, huyện nên yêu cầu chủ đầu tư phải xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh mới được phép phân lô hoặc xây cao ốc để bán. Ngoài ra, để tránh trường hợp một số chủ đầu tư làm theo kiểu “mượn đầu heo nấu cháo”, “vừa làm vừa huy động vốn” hoặc tuyên bố phá sản sau khi đã bán hết nền hoặc căn hộ khi chưa làm xong hạ tầng, các quận, huyện có thể tính toán yêu cầu chủ đầu tư ký quỹ. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, các địa phương sẽ dùng khoản tiền đang quản lý này để tiếp tục thi công, tránh không làm ảnh hưởng tới người dân.
Vừa cấp giấy vừa hoàn thiện hạ tầng Năm 2010, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo các sở liên quan và các quận, huyện nhanh chóng rà soát các dự án nhà đất còn vướng hạ tầng để xem xét, cấp giấy chứng nhận. Tùy loại dự án mà có cách xử lý phù hợp. Đối với những dự án thuộc thời điểm mà quy định về hạ tầng chưa cụ thể thì Nhà nước phải gánh vác một phần về hạ tầng. Trường hợp thời điểm đó đã có quy định rõ ràng thì chủ đầu tư buộc phải hoàn chỉnh. Có một thực tế là nhiều người dân ở những dự án vướng hạ tầng đã không biết mình phải làm gì để góp phần gỡ vướng. Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng không chỉ để phục vụ công tác quản lý của Nhà nước mà còn mang lại lợi ích cho chính chủ nhà đất. Do vậy, ngoài việc chính quyền ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư thì người dân vẫn có thể đóng góp để cùng hoàn thành hạ tầng. Phương án này sẽ phát huy được nhiều hiệu quả, nhất là trong trường hợp chủ đầu tư cố tình bỏ chạy nên đã được nhiều nơi áp dụng như ghi nhận của chúng tôi. Bấy giờ, với số tiền đóng góp của dân, các quận, huyện có thể đứng ra chủ trì việc thực hiện các hạng mục còn thiếu để sớm ra được giấy chủ quyền. Tôi hoàn toàn đồng ý với việc bãi bỏ các loại biên bản về hạ tầng nêu trong Quyết định 54. Bấy giờ, bên cạnh việc cấp ngay giấy chứng nhận cho dân, các quận, huyện có thể công khai các giải pháp khắc phục khả thi dành cho chủ đầu tư và cả chủ nhà đất theo phương án mà tôi đã nêu ở trên để từ đó tiếp tục hoàn thiện dự án. Ông Phạm Ngọc Liên(Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Tp.HCM) |