Người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) cũng là người được xác lập quyền sở hữu tài sản được hình thành từ thừa kế tặng cho, chuyển nhượng.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau (năng lực pháp luật là khả năng cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự). Như vậy, dù là người đã thành thành niên hay người chưa thành niên đều có năng lực pháp luật như nhau.
Tại Điều 20, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi như sau:
1.Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.
2. Trong trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Từ quy định trên có thể thấy người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) cũng là đối tượng được xác lập quyền sở hữu tài sản được hình thành từ thừa kế tặng cho, chuyển nhượng...
Việc cấp sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất) được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Những trường hợp được cấp sổ đỏ được quy định rất cụ thể tại Điều 49 Luật Đất đai 2003. Theo quy định tại khoản 4 điều này, người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất; người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ.
Như vậy, người được nhận tặng cho quyền sử dụng đất cũng một trong các đối tượng được cấp sổ đỏ.
Bên cạnh đó, Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/10/2009 cũng không có quy định nào hạn chế quyền sử dụng, sở hữu nhà đất của người chưa thành niên.
Với các quy định nêu trên, pháp luật về đất đai hoàn toàn không đề cập đến tuổi tối thiểu hay tối đa để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, con trai anh chị thuộc đối tượng được cấp sổ đỏ.
Tuy nhiên, trên thực tế việc cấp sổ đỏ cho trẻ em gặp rất nhiều khó khăn, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tỏ ra lúng túng trước việc cấp sổ đỏ cho trẻ em. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên này xuất phát từ nhận thức pháp luật còn hạn chế từ một số cá nhân và hướng dẫn chưa cụ thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, do vậy hầu hết các phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở các quận, huyện trên cả nước chưa thực hiện việc cấp sổ đỏ cho trẻ em. Chúng tôi được biết mới có một trường hợp tại một tỉnh Miền Tây Nam Bộ đã cấp sổ đỏ cho trẻ em.