Thương hiệu "Cảng Sài Gòn" từ lâu đã có uy tín trên thị trường hàng hải quốc tế; đồng thời đóng góp từ hoạt động cảng biển đã và đang chiếm một tỷ trọng rất lớn trong hoạt động kinh tế của TP Hồ Chí Minh.
Vì vậy, phát triển và mở rộng đô thị cảng về phía nam là rất cần thiết.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng sẽ là hình mẫu cho các khu đô thị phía nam.
|
Bước tạo đà… thoáng
Đầu tháng 3 này, chương trình xây dựng 11,000 căn hộ tái định cư (TĐC) cho khu vực Nam thành phố đã được chính quyền TP Hồ Chí Minh chính thức kêu gọi đầu tư, thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Nhà đầu tư được sử dụng một phần quỹ nhà, đất để kinh doanh.
3 dự án bao gồm: khu TĐC số 2 tại xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè với tổng diện tích đất là 7.57ha và 2,562 căn hộ; Khu TĐC số 4 tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh với tổng diện tích đất 15.48ha và 6,548 căn hộ; khu TĐC số 5 xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh với tổng diện tích 6.93ha và 2,111 căn hộ. Tổng cộng là 30ha và 11,221 căn hộ.
Hiện, khu TĐC số 2 và số 4 đã giải phóng mặt bằng trên 80% ; khu TĐC số 5 đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng. Số căn hộ này sẽ được dùng để bố trí TĐC cho các quận 4, 7, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Theo chủ trương, nhà đầu tư được chọn sẽ phải thanh toán tiền bồi thường, tiền sử dụng đất và chi phí đầu tư hạ tầng cho các đơn vị trước đây đã ứng vốn bồi thường các khu đất, ứng vốn thực hiện toàn bộ dự án và sau đó bán lại phần quỹ nhà TĐC cho các quận, huyện và BQL khu nam. Nhà đầu tư được sử dụng một phần quỹ nhà hoặc đất trong dự án để khai thác kinh doanh. Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ được xem xét cho thuê hoặc mua lại phần khối đế các khối nhà để khai thác kinh doanh thương mại dịch vụ, mua lại căn hộ tầng trên cùng (penthouse) để khai thác kinh doanh.
Mô hình mẫu được chọn xây dựng nhà TĐC là chung cư Sky Garden của Phú Mỹ Hưng. Theo thiết kế, có tổng cộng 18 khối chung cư được xây dựng với độ cao từ 10 đến 20 tầng. Chương trình xây dựng 11,000 căn hộ chung cư TĐC không chỉ phục vụ cho các dự án khu Nam mà còn góp phần hoàn thành chương trình xây dựng 30,000 căn hộ theo nghị quyết của Đảng bộ TP đề ra.
Tương lai một khu đô thị cảng
Theo quy hoạch, đô thị cảng phía nam TP Hồ Chí Minh sẽ có vai trò là đầu mối trung chuyển phục vụ cho nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây còn có KCN, chú trọng phát triển các ngành công nghệ kỹ thuật cao và các ngành liên quan đến lĩnh vực hàng hải.
Đồng thời, khu đô thị sẽ phát triển đa dạng các ngành dịch vụ cảng phục vụ hoạt động của tàu, thủy thủ và hành khách. Một khu liên hiệp các trường cao đẳng - dạy nghề, trung cấp kỹ thuật cũng sẽ hình thành phục vụ nhu cầu phát triển của TP và miền Đông, miền Tây Nam bộ - đặc biệt là các chuyên ngành đào tạo về cảng và hàng hải. Hiện khu đô thị cảng phía nam TP đã dần hoàn thiện. Toàn bộ hạ tầng nội khu dân cư bao gồm đường nội bộ, hệ thống chiếu sáng, điện, nước… đã hoàn thành đồng bộ.
Các KCN Hiệp Phước (Nhà Bè) và Long Hậu (Long An - nằm trong cụm KCN Hiệp Phước) đang đón một lượng lớn các DN hàng đầu như Lotte, Puma, Lock&Lock… Với quy hoạch theo hướng kết hợp bảo toàn môi trường thiên nhiên sông nước và một khu đô thị tiện nghi hiện đại, khu đô thị cảng nói chung và khu dân cư Long Hậu nói riêng được kỳ vọng sẽ mang đến một không gian sống chất lượng cho cư dân tại đây.
Dấu ấn rõ rệt nhất là tháng 1-2010, cảng container trung tâm Sài Gòn (SPCT), cảng đầu tiên trong cụm cảng Hiệp Phước do liên doanh DP World (Dubai) và Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) đầu tư đi vào hoạt động, đã tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của khu đô thị cảng phía nam. Tính đến nay, trung bình mỗi tuần có 6 hãng tàu cập cảng SPCT.
Đến năm 2014, toàn bộ hệ thống cảng trên sông Sài Gòn sẽ được di dời ra khu đô thị phía nam; lúc đó sẽ hình thành một khu đô thị cảng sầm uất với 4 cảng lớn như: Cảng container quốc tế SPCT, Cảng Sài Gòn Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước, Cảng quốc tế Long An. Đến năm 2020, Hiệp Phước dự kiến sẽ đón lượng hàng hóa ước tính lên đến 170-200 triệu tấn qua lại mỗi năm và sẽ trở thành thành phố cảng của khu vực.
Ông Phạm Xuân Bình, Phó Tổng giám đốc IPC cho biết, khu đô thị cảng Hiệp Phước sẽ có vai trò, chức năng quan trọng không chỉ đối với TP Hồ Chí Minh mà còn với miền Đông và Tây Nam bộ, bởi khu đô thị này có hệ thống cảng biển hiện đại, quy mô lớn.