Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh và sẽ còn nhanh hơn trong thời gian tới.
Theo thống kê, năm 2000 dân số đô thị cả nước là 18,8 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa là 24,2%. Năm 2005, dân số đô thị đạt 22,4 triệu người với tỷ lệ đô thị hóa là 27%, năm 2009 tỷ lệ đô thị hóa khoảng 30%.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, phát triển đô thị có nhiều tiến bộ nhưng còn trong tình trạng kiểm soát chưa chặt chẽ, nhất là vấn đề sử dụng đất đai. Trong định hướng phát triển tổng thể phát triển đô thị Việt Nam được Chính phủ phê duyệt năm 1998 có dự báo đến 2010 diện tích đất đô thị khoảng 243.000 ha chiếm 1,4% diện tích cả nước. Nhưng thực tế đến năm 2005, diện tích đô thị cả nước đã là 325.195 ha, vượt quá 1,8 lần so với dự báo diện tích đất đô thị cho năm 2010.
|
Dân số đô thị tăng mạnh. (Ảnh:DK)
|
Dự báo, năm 2015 dân số đô thị khoảng 35 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 38% với nhu cầu đất xây dựng đô thị 335.000ha. Năm 2020, dân số đô thị khoảng 44 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 45% so với nhu cầu đất xây dựng đô thị khoảng 400.000 ha và đến 2025, dân số đô thị khoảng 52 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 50% với nhu cầu sử dụng đất khoảng 450.000 ha.
Cũng theo ông Nghiêm, việc phát triển đô thị ngoài dự báo đã tác động nhiều đến đất nông nghiệp. Để đạt được quỹ đất đô thị, xu thế tiếp tục chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đối với các đô thị lớn thì xu thế chuyển hóa đất nông nghiệp ven đô, ngoại thành càng rõ nét.
Trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010 đến 2020 của Hà Nội dự kiến sẽ chuyển đổi gần 37000 ha đất nông nghiệp sang đất đô thị.
Ông Nghiêm cho rằng, đối với các đô thị đặc biệt, đô thị trực thuộc TW quỹ đất chuyển đổi chức năng có quy mô lớn, xác định hướng phát triển ưu tiên về không gian cũng xác định hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho toàn bộ đô thị do vậy cần phải có kế hoạch sử dụng đất được xây dựng từ quy hoạch đô thị.
Trong những năm tới, tốc độ đô thị hóa nhanh, đô thị hóa tới 45% song quy mô xây dựng chỉ chiếm 1,3% diện tích tự nhiên cả nước, bởi vậy phải tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo các chiến lược phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc gia và an toàn lương thực.
“Cần phải quản lý hiệu quả việc chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong các đô thị, nhất là vùng ven đô. Cần kết hợp chặt chẽ giữa thanh tra xử lý việc xây dựng với quản lý đất đai”, ông Nghiêm nhấn mạnh.
Duy Anh
Theo dothi.net