Sau 20 năm thành lập, thành phố biển xinh đẹp và hiền hòa dường như càng khẳng định thêm nét đẹp kiều diễm và hấp dẫn của một cô gái tuổi hai mươi. Với vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng có nắng vàng quanh năm, bờ biển dài mịn màng và những thắng cảnh kỳ vĩ, di tích lịch sử hàng trăm năm tuổi, đã tạo nên một thành phố biển xinh đẹp có một không hai ở Việt Nam...
Thành phố hơn 100 tuổi
Vũng Tàu được nhiều người biết đến bởi trước kia nơi đây là vùng đất bãi lầy, nơi thuyền buôn nước ngoài thường vào trú đậu nên gọi là Vũng Tàu. Các nhà hàng hải Bồ Đào Nha xưa khi đi qua mũi đất này đã lấy tên vị Thánh Giắc đặt cho, người Pháp gọi nơi này là Cap Saint Jacques (mũi đất mang tên Thánh Giắc), tiếng Việt là Cap Xanh Giắc, người Việt theo đó gọi là Cấp hoặc Ô Cấp. Theo sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức ghi “Phía bắc ôm cửa Tắc Khái (cửa sông Dinh), phía nam đỡ núi Thát Sơn để che cửa Cần Giờ. Mặt vụng trông về hướng tây, rộng lớn mông mênh để thu nạp các dòng nước sông đầm chảy về biển mà làm nơi êm đềm cho thuyền bè ẩn đậu." Chính địa hình như vậy, nên Vũng Tàu còn có tên khác là Thuyền áo (áo của Thuyền).
Thời vua Gia Long (1761-1820), khi nạn hải tặc Mã Lai hoành hành tại vùng biển này, là mối đe dọa cho các thương nhân vùng Gia Định, vua đã gửi ba đội quân đến dẹp loạn và cho phép ba tướng cầm đầu cùng quân lính ở lại mở đất khai hoang. Chính 3 ông đội Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc, Ngô Văn Huyền thuộc ba đội binh (Tam Thoàn) đã thành lập ba làng đầu tiên: Thắng Nhất, Thắng Nhị, Thắng Tam, vì thế, để ghi nhớ công ơn của 3 người đầu tiên khai hoang, gìn giữ vùng đất nên Vũng Tàu còn có tên gọi khác là Tam Thắng.
Theo lịch sử, vào ngày 10/2/1859 tức mồng 8 tết Kỷ Mùi, nhà Nguyễn đã lần đầu tiên khai hỏa những thần công đặt ở pháo đài Phước Thắng, cao 30m và cách bờ biển Bãi Trước gần 100m, bắn vào đoàn chiến thuyền của liên quân Pháp - Tây Ban Nha, trên đường vào xâm lược Nam Kỳ, mở đầu cuộc kháng chiến chống quân Pháp ở Nam Kỳ.
Năm 1876 Vũng Tàu thuộc tiểu khu Bà Rịa, nằm trong khu vực Sài Gòn, theo nghị định phân chia hành chính của thực dân Pháp. Đến năm 1895 Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định tách thị xã Cap Saint Jacques ra khỏi tiểu khu Bà Rịa để lập thành phố tự trị. Đến năm 1898, Cap Saint Jacques hợp nhất trở lại với tiểu khu Bà Rịa thành khu Cap Saint Jacques cho đến năm 1899 lại tách ra thành hai đơn vị hành chính độc lập.
Từ khi cái tên Cap Saint Jacques ra đời vào năm 1895 đến nay, Vũng Tàu đã có hơn một trăm năm tuổi. Năm 1991 tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu được thành lập và thành phố Vũng Tàu cũng được ra đời từ đó. Trong vòng 20 năm trở lại đây, thành phố Vũng Tàu đã được thay da đổi thịt, từng bước tạo dựng cho mình dáng vóc một đô thị du lịch, văn minh hiện đại. Thành phố Vũng Tàu là một trong những tỉnh thành có tốc độ phát triển kinh tế, xã hội và đô thị hóa nhanh nhất trong cả nước. Thành phố Vũng Tàu cũng được xem là trung tâm dịch vụ, du lịch, cảng biển trung chuyển lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thành phố của du lịch và lễ hội
Trước tiên phải nói đến tiềm năng du lịch to lớn mà thiên nhiên ban tặng cho thành phố Vũng Tàu mà không phải vùng biển nào cũng có được. Vũng Tàu được du khách trong và ngoài nước biết đến bởi có bãi biển đẹp, sóng êm, nước quanh năm ấm áp. Phong cảnh hữu tình, núi Nhỏ núi Lớn vươn ra mình ra biển, lưng chừng núi là những ngôi chùa, biệt thự, tượng đài thấp thoáng trong hàng hoa sứ thơm nồng, thật quyến rũ lòng người. Vũng Tàu nổi tiếng bởi những bãi biển lý tưởng như Bãi Sau, còn có tên là Thùy Vân hay Thùy Dương với bãi cát dài phẳng chạy dài, đây được xem là một trong những bãi biển đẹp của Việt Nam. Thật là thiếu sót nếu không nhắc đến Bãi Trước, còn gọi là bãi Tầm Dương. Đến đây bạn có thể ngắm trời mọc vào lúc bình minh và mặt trời lặn vào mỗi buổi chiều tối. Những con thuyền đánh cá nhấp nhô của ngư dân ven biển, hay có thể tận mắt được xem ngư dân kéo lưới vào mỗi buổi sáng. Bãi Trước còn được tô điểm bởi những hàng dừa chạy dọc bờ biển theo hình vòng cung, những vườn rau muống biển xanh ngát, nhìn từ trên cao Bãi Trước trông như một vịnh biển nhỏ, đẹp mơ màng, quyến rũ lòng người. Ngoài ra, còn có Bãi Dâu, còn gọi là bãi Phương Thảo, Bãi Dừa hay còn gọi là bãi Hương Phong, bãi tắm nhỏ, thơ mộng và tĩnh mịch. Đặc biệt con đường ven biển nối liền Thuỳ Vân – Bãi Sau đến Bãi Trước và Bãi Dâu, năm 2002 con đường này được Bộ GTVT công nhận là con đường đẹp nhất Việt Nam.
Ngoài những bãi tắm xinh đẹp và hiền hòa, Vũng Tàu còn nổi tiếng với những ngôi chùa như Thích ca Phật đài, một trong những ngôi chùa lớn nhất của Vũng Tàu với thiết kế công phu và khá độc đáo. Cổng chùa được xây dựng bằng xi măng cốt thép, trên bằng đá hoa khắc 4 chữ "Thích ca Phật đài". Trong khuôn viên Chùa có Bảo Tháp, tượng Phật tổ ngồi trên toà sen và nhiều di vật của đạo Phật. Hay Tượng Chúa Kitô Vua trên đỉnh núi Nhỏ, được xây năm 1974 nhưng bị gián đoạn mãi đến năm 1994 công trình được hoàn thành và chính thức đón du khách. Tượng Chúa Kitô Vua ở Vũng Tàu cao 32m, được coi là tượng Chúa cao nhất thế giới trong khi Tượng Chúa Kitô Cứu Thế (Rio de Janeiro) ở Brasil chỉ cao 28m. Cùng với các khu di tích lịch sử văn hóa khác như Bạch Dinh, Đèn Hải Đăng, Nhà thờ Vũng Tàu, Đình Thắng Tam, Nhà lớn Long Sơn, Đền thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, Cáp treo, Khu du lịch sinh thái Hồ Mây…
Không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp quyến rũ, những năm gần đây, Vũng Tàu còn được du khách xa gần biết đến, là nơi tổ chức của những lễ hội văn hóa. Mở đầu cho các chương trình, lễ hội văn hóa mang tầm thế giới đó là Cuộc thi Quý bà đẹp và thành đạt thế giới năm 2009. Đây được xem là sự kiện mở đầu cho hàng loạt những sự kiện, văn hóa, thể dục thể thao sau này được tổ chức tại thành phố biển. Tiếp đến, Lễ hội văn hóa ẩm thực Thế giới năm 2010 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều nền văn hóa, ẩm thực trên thế giới, thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến với Vũng Tàu. Đây cũng là dịp để du khách trong và ngoài nước đến và chiêm ngưỡng vẻ đẹp Vũng Tàu. Festival Diều Quốc tế năm 2011, được tổ chức thường niên tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Lễ hội đua Thuyền buồm bãi biển Quốc tế năm 2011 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam cũng đã thu hút đông đảo những người yêu thích môn thể thao biển này. Giải bóng chuyền bãi biển nữ quốc tế… Bên cạnh những lễ hội mang tầm thế giới và khu vực, Vũng Tàu còn biết phát huy lợi thế văn hóa lễ hội truyền thống của địa phương mình để thu hút đông đảo du khách. Đó là Lễ văn hóa du lịch đầu năm, lễ hội Nghinh ông Đình Thắng Tam, Lễ hội Đình thần Thắng Tam, Đại lễ kính Đức Maria, mẹ Thiên Chúa…
Với những gì thiên nhiên ban tặng cùng với sự đa dạng, phong phú các hoạt động văn hóa xã hội thể thao trong và ngoài nước, trong tương lai không xa Vũng Tàu không chỉ phát triển mạnh về kinh tế mà còn là thành phố du lịch, thành phố của những lễ hội văn hóa độc đáo.